05:55 ngày 23/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Phí logistics tăng vọt khiến nhiều doanh nghiệp bị hụt đơn hàng

18:24 31/03/2022

(THPL) - Hiện nay, dù đang trong bối cảnh bình thường mới nhưng tình hình xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu do logistics tăng cao khiến người mua hàng quốc tế cân nhắc lại việc đặt hàng. Điều này gây ảnh hưởng đến tồn kho và dòng tiền của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cụ thể, liên hệ một khách hàng lâu năm để hỏi về đơn hàng dự kiến cho năm nay, bà Dương Minh Tuệ, Giám đốc tiếp thị và kinh doanh Công ty CP Gỗ Minh Dương, nhận thông tin trì hoãn đơn hàng. Lý do là chi phí logistics đang tăng quá cao, vượt khả năng chi trả của người tiêu dùng cuối.

Liên quan đến chi phí logistics, Zing.vn đưa tin, trao đổi với báo chí tại họp báo ngày 29/3 của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA cho biết chi phí logistics đã tăng cao từ năm ngoái đến nay do các yếu tố dịch bệnh và bất ổn chính trị thế giới. Thậm chí, chi phí logistics đang ngang ngửa 50-70% giá trị hàng hóa.

"Người mua đang cân nhắc lại về việc đặt hàng cũng như chậm vận chuyển những đơn hàng đã đặt. Họ muốn tranh thủ lúc giá container rẻ hơn mới chuyển hàng đi. Điều này khiến tồn kho tại doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến dòng tiền", ông Phương nhấn mạnh.

Phí logistics tăng vọt khiến nhiều doanh nghiệp bị hụt đơn hàng. Ảnh: Internet

Còn theo ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc điều hành Công ty CP Furnis cho biết, thông thường các nhà sản xuất đồ gỗ và nội thất tại Việt Nam bán hàng theo phương thức FOB, tức người mua chịu chi phí logistics. Tuy nhiên, các container thường chỉ trị giá 10.000-15.000 USD, trong khi giá cước đi EU đang ở mức 6.000-8.000 USD, đi Mỹ khoảng 10.000-12.000 USD.

"Cước logistics hiện cao hơn 30% so với mức đỉnh năm 2020. Tỷ trọng chi phí logistics trong chi phí nhập khẩu tăng cao khiến giá hàng hóa tăng lên, làm cho sức mua cũng giảm xuống. Các nhà nhập khẩu đang rất đắn đo khi quyết định đặt hàng", ông Sang nhấn mạnh.

Đứng trước bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải mở rộng thị trường và nguồn khách hàng để giải phóng tồn kho và duy trì hoạt động. 

Báo Thanh niên thông tin thêm, khảo sát nhiều doanh nghiệp cho thấy, giá cước tàu đi các cảng bờ tây của Mỹ dao động từ 12.000 - 14.000 USD/container, đi bờ đông đến 19.000 - 22.000 USD/container. Những chuyến này rất khó đặt chỗ do cảng này có ít hãng tàu nhận vận chuyển, có những tháng còn bị cắt bớt chuyến và có sự chênh lệch giá lớn, thậm chí cả ngàn USD giữa các hãng tàu.

Trong diễn biến liên quan, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện giá cước vận tải biển còn cao hơn mức đỉnh này của năm ngoái. Cái khó hơn nữa là việc đặt container, mức độ khó tùy từng tuyến, từng hãng. Nhiều container hàng dù đã sản xuất xong gần 2 tháng mới xuất được nên khi đặt được chỗ thì mừng hơn ký được đơn hàng mới.

“Book được chỗ nhưng chưa chắc đã có container, có container rồi chưa chắc hạ được container, container hạ rồi chưa chắc đã tàu chạy… đây là chuỗi lo lắng, thấp thỏm của các chủ hàng”, VASEP cho biết.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu