21:20 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nông sản ùn ứ, hàng nghìn ha dưa hấu tại Tây Nguyên khó tiêu thụ

18:54 28/12/2021

(THPL) - Hiện các cửa khẩu kết nối giao thương với Trung Quốc bị ách tắc, ùn ứ do công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nên việc lưu thông hàng nông sản tiêu thụ gặp khó khăn.

Tại Tây Nguyên hàng nghìn ha dưa hấu đang vào vụ mùa thu hoạch, tuy nhiên do nông sản ùn ứ tại cửa khẩu nên thương lái chỉ thu mua với giá từ 2.200-2.500 đồng/kg dưa, trong khi năm ngoái giá dưa từ 7.500 đồng – 9.000 đồng/kg.

Theo báo Lao động, bên ruộng dưa hấu đã chín rộ, ông Nguyễn Văn Thải (52 tuổi, quê huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lo lắng, nếu không chịu bán giá rẻ mạt thì dưa thối trên ruộng, mất cả chì lẫn chài. Mùa dưa này, hai vợ chồng ông cắm sổ đỏ vào ngân hàng để vay hơn 250 triệu đồng, lên Gia Lai thuê đất trồng dưa, dựng chòi bạt giữa cánh đồng để tá túc qua ngày. 

“Giá phân bón tăng cao gấp đôi, tiền điện, nước cũng tăng, người nông dân trồng dưa lấy công làm lãi. Nhưng với vụ mùa này thì còn thâm hụt, lo không đủ trả nợ ngân hàng để chuộc lại sổ đỏ”, ông Thải buồn bã nói.

Thời điểm cuối năm, Gia Lai không còn mưa, nhưng thời tiết thay đổi, chiều đến là mưa trái mùa nên ruộng dưa dễ bị úng nước, bị nứt hư hỏng, thương lái mua với giá thấp bèo. Với tình cảnh thị trường đầu ra như hiện tại thì chính các thương lái mua hàng cũng lo bán ra không được giá và chịu lỗ như người trồng dưa.

Một lán trại của người nông dân trồng dưa quê ở Bình Định. Ảnh: Lao động

Gia Lai là một trong những tỉnh có vùng trồng dưa lớn nhất ở Tây Nguyên với hàng nghìn ha, riêng 2 huyện Krông Pa và Ia Pa đã có hơn 1.000ha dưa hấu. Cứ đến 3 tháng cuối năm, người nông dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi lại tìm lên các huyện như Chư Prông, Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa…để thuê đất trồng dưa hấu với hy vọng có cái Tết ấm no, đủ đầy. Nhưng với giá dưa như năm nay thì nguy cơ nợ nần, thua lỗ và trả lãi ngân hàng đã hiện hữu trước mắt.

Liên quan đến tình hình nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn, theo báo Dân trí, lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, tính đến sáng 28/12, lượng xe ùn ứ tiếp tục giảm ở cửa khẩu trên địa bàn nhưng vẫn còn khoảng 4.000 xe. Theo vị này, lượng xe giảm chủ yếu vẫn do các xe quay đầu chở hàng về nội địa tiêu thụ, gỡ lại phần nào chi phí.

Lãnh đạo Sở Công Thương nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán cũng khó có thể giải phóng được hết lượng hàng hóa này với năng lực thông quan như hiện nay. Vì từ nay đến khi nghỉ Tết Nguyên đán cũng chỉ còn khoảng hơn 15 ngày làm việc nữa.

Do vậy, lãnh đạo Sở khuyến cáo các doanh nghiệp, chủ xe hàng cân đối lưu lượng hàng hóa chở lên, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tìm các kênh thay thế bù đắp phần nào chi phí. 

Hiện trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam - Trung Quốc có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới. Dẫn thông tin từ nhóm doanh nghiệp vận tải xuyên biên giới, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, hiện 6 cửa khẩu còn cho thông quan hàng hóa bao gồm: Quảng Ninh - 1 (Hoàng Mô); Lạng Sơn - 2 (Hữu Nghị, Đồng Đăng); Cao Bằng - 2 (Tà Lùng, Trà Lĩnh); Lào Cai - 1 (Kim Thành); Hà Giang và Lai Châu - đóng toàn bộ.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu