16:43 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bất cập tại dự án nhà máy điện mặt trời Thiên Tân: Vì đâu nên nỗi ?

16:14 27/05/2023

(TH&PL)-Việc quy hoạch và cho phép đầu tư xây dựng Dự án ĐMT Thiên Tân khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý đã làm phát sinh nhiều hệ lụy. Những vấn đề này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong Kết luận số 1027/KL-TTCP.

Nôn nóng trong xây dựng quy hoạch.

Như chúng tôi đã thông tin trong kỳ trước, việc quy hoạch mạng lưới điện và quỹ đất phục vụ xây dựng dự án Thiên Tân 1 ngay từ đầu đã bộc lộ nhiều vấn đề mà Thanh tra Chính Phủ đã chỉ ra tại Kết luận số 1027/KL-TTCP ngày 28 tháng 4 năm 2023.

Theo đó, nội dung bản kết luận cho biết Bộ Công Thương đã không phê duyệt  “ Đề án quy hoạch phát triển điện mặt trời Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035” trong bản quy hoạch có dự kiến 55 vị trí, quy mô công suất từ 2016-2020 khoảng 2000MW do UBND tỉnh Ninh Thuận trình.

Văn bản số 4453 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc xin bổ sung DA nhà máy ĐMT Thiên Tân Solar vào quy hoach phát triển điện lực quốc gia

 Việc Bộ Công Thương không phê duyệt đề án nêu trên đã khiến UBND tỉnh Ninh Thuận không có danh mục dự án được phê duyệt để làm cơ sở cho hoạt động đầu tư phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vậy, UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn nôn nóng trong xây dựng quy hoạch một số dự án trong đó có Thiên Tân Solar. Toàn bộ diễn biến của việc quy hoạch Dự án Thiên Tân Solar như sau:

 Ngày 9/3/2015, liên danh các nhà đầu tư ( Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân, ông Huỳnh Kim Lập, bà Võ Thị Hiền Nhi) có văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm đầu tư Dự án Thiên Tân Solar có tổng công suất 1000MW, dự kiến chia thành 4 giai đoạn tại các xã thuộc hai huyện Bác Ái và Ninh Sơn.  

Ngày 23/3/2015, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản số 1169/UBND-KTN đồng ý về chủ trương cho công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập Dự án đầu tư để lập thủ tục bổ sung vào quy hoạch theo quy định, trước mắt triển khai giai đoạn 1 với quy mô công suất 300MW trên diện tích đầu tư khoảng 600 ha..

Ngày 26/5/2015, ông Võ Đại- PCT UBND tỉnh Ninh Thuận đã kí văn bản số 2638/UBND_KTN về việc mở rộng diện tích khảo sát dự án điện mặt trời Thiên Tân Solar. Tại mục 1 công văn này thể hiện; “ đồng ý chủ trương việc mở rộng phạm vi khảo sát dự án Thiên Tân Solar theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư trình tại Công văn số 1290/SKHĐT-EĐO ngày 05 tháng 6 năm 2015”.

Tiếp đó, ngày 13 tháng 11 năm 2015 cũng chính ông Võ Đại kí ban hành văn bản số 4453UBND-KTN trình Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Công Thương về việc “ Xin chủ trương bổ sung dự án điện mặt  trời Thiên Tân Solar 1000MW vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia”. Theo đó văn bản này ghi rõ: “ Nhận thấy, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân là doanh nghiệp có năng lực thực hiện các dự án về lĩnh vực năng lượng; trong đó có điện mặt trời, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tham mưu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar 1000MW vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để Nhà đầu tư có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.”

Văn bản số 4012 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc đăng kí đầu tư  D.A ĐMT Thiên Tân Solar Ninh Thuận .

 Tiếp theo đó, ngày 29/9/2016, ông Phạm Văn Hậu- PCT UBND tỉnh kí ban hành văn bản số 4012/UBND-KT về việc: “ Đăng kí đầu tư dự án điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận 50MW tại địa bàn xã Phước Trung, huyện Bác Ái”. Tại mục 1 của văn bản này thể hiện: “Đồng ý chủ trương về địa điểm đầu tư dự án điện mặt trời Thiên Tân Solar tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái; lưu ý trừ các khu vực chồng lấn quy hoạch hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, quy hoạch tuyến đường vành đai và công trình hiện hữu “.

 Ngày 21/8/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản số 3097/UBND-KTTH đề nghị Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt điều chỉnh bổ sung phương án đấu nối các Nhà máy ĐMT Thiên tân 1.2; 1.3;1.4 thuộc Thiên Tân 1 vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Toàn cảnh nhà máy ĐMT Thiên Tân Solar Ninh Thuận ( Nguyễn Phong).

 Ngày 29/10/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Công nghiệp và Năng lượng Ninh Thuận và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận là chủ đầu tư các Dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Thiên Tân 1.4. Việc thay đổi pháp nhân chủ đầu tư dự án từ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân ( Thiên Tân Group)  sang  Công ty Cổ phần Công nghiệp Ninh Thuận ( Công ty Cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận-T&T Group theo công bố của PECC2) chúng tôi sẽ phản ánh trong một bài viết khác.

Thông tin về CĐT dự án do PCC*2 công bố.

 Việc “ xé rào” bổ sung Dự án Thiên Tân 1 với công suất 1000 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh đã khiến UBND tỉnh Ninh Thuận tự làm khó mình và khó cho doanh nghiệp khi một phần công suất của các nhà máy Thiên Tân 1.2; Thiên Tân 1.3 chưa có cơ chế giá hoặc chưa được đưa vào vận hành. Kết luận Thanh tra số 1027/KL-TTCP đã chỉ rõ : Quá trình lập quy hoạch dự án Thiên Tân 1 khi không được phê duyệt quy hoạch, không có đơn vị tư vấn không có phương án đấu nối vào lưới truyền tải điện quốc gia dự kiến đầu tư trong giai đoạn quy hoạch; Bộ Công Thương không thực hiện đúng chức năng thẩm định dự án, trình bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh khi chưa xác định được hệ thống truyền tải cấp điện áp trên 220kv tương ứng với nguồn điện là không đúng với quy định tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương.

 Phê duyệt quỹ đất xây dựng ĐMT chồng lấn trên quy hoạch công trình thủy lợi.

 Ngoài việc liên quan đến quy hoạch mạng lưới, Dự án ĐMT Thiên Tân Solar còn là 1 trong 4 dự án điện mặt trời có vi phạm liên quan đến sử dụng quỹ đất để đầu tư xây dựng chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, đang triển khai thi công. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ vụ việc liên quan đến dự án này đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

 Về việc phát hiện, làm rõ phạm vi chồng lấn và chiếm dụng diện tích khu tưới và diện tích kênh thuộc phạm vi của dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ giữa Bộ Nông nghiệp- PTNT và UBND tỉnh Ninh Thuận, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra: theo báo cáo rà soát sơ bộ của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (chủ đầu tư) tại Văn bản số 160/BC-BQL ngày 3/4/2020 nêu : “ Kênh chính Tân Mỹ từ K0 đến K21+827 đã cơ bản thi công xong và được Ban 7 nghiệm thu thông nước, bàn giao tạm cho địa phương vào ngày 19/4/2018; 26/4/2019; 20/2/2020 để phục vụ chống hạn cho địa phương; hiện nay khu vực tuyến kênh chính có 03 dự án điện mặt trời, điện gió của các Công ty TNHH Thiên Tân Solar, Công ty CP Xuân Thiện Thuận Bắc; Công ty CP Điện mặt trời Trung nam, phạm vi trồng lấn các dự án từ K21+851 như sau: vị trí 1 từ lý trình khoảng K25+512 đến K26+381, chiều dài kênh trồng lấn 869m, diện tích trồng lấn khoảng 2,44 ha: từ lí trình khoảng K26+635 đến K26+763, chiều dài kênh trồng lấn là 128m, diện tích trồng lấn khoảng 0,32 ha; từ lý trình khoảng K27+732 đến K27+867, chiều dài kênh trồng lấn là 135m, diện tích trồng lấn khoảng 0,13 ha; từ lý trình K29+172 chiều dài kênh trồng lấn là 30m, diện tích trồng lấn khoảng 0,06 ha…trường hợp phải nắn tuyến kênh chính Tân Mỹ đoạn K22+827 đến KC sẽ kéo dài thêm 200m và kinh phí xây lắp tăng thêm khoảng 10 tỷ đồng”.

Hệ pin của nhà máy Thiên Tân 1.4 trên lòng hồ Sông Trâu. ( Mạnh Hùng)

 Kết luận Thanh tra cũng chỉ ra: Qua khảo sát thực địa tại khu vực đầu tư các dự án điện cho thấy: Tại thời điểm thanh tra (tháng 5/2022) khu vực đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời trên diện tích đất chồng lên vùng tưới và kênh tưới của dự án Thủy lợi Tân Mỹ, không có cây trồng nào được thực hiện (chiều cao trung bình cột giá đỡ các tấm pin là 1m nên sản xuất nông nghiệp là không khả thì); một phần kênh chính đã bị các dự án điện mặt trời chồng lấn, diện tích khu tưới và kênh bị chồng lấn là 3,85 ha, một số vị trí kênh bị đứt gãy không thể tiến hành thi công tiếp do bị chồng lấn, buộc phải nắn tuyến do đó sẽ làm tăng chi phí. Một số tuyến kênh đã thi công xong, nhưng hiện đang bỏ hoang, không có nước và nằm dưới các tấm pin của các dự án điện mặt trời, diện tích kênh đã thi công và chưa thi công bị chồng lấn, bị đứt nối, không liền mạch do chồng lấn. “Việc quy hoạch chồng lấn và cho phép thực hiện các dự án điện năng lượng tái tạo nêu trên gây lãng phí vốn NSNN đã đầu tư trên chiều dài kênh đã đầu tư xây dựng xong và chiều dài kênh theo thiết kế chưa thi công bị lấn chiếm dẫn đến đứt gẫy Hệ thống kênh”.

Quyết định số 391, 392 về việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp và cho thuê đất để Thiên Tân Solar thực hiện Dự án tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái.

 Theo nguồn tin của Thương hiệu & Pháp luật, ngày 10/10/2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 391 về việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận (giai đoạn 1) xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Tại Điều 1 của Quyết định thể hiện: “ chuyển 11.489m2 đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận (giai đoạn 1) tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Vị trí ranh giới đất được xác định theo tờ Trích lục bản đồ địa chính khu đất tỉ lệ 1/5.000 do Văn phòng Đăng ký đất đai Ninh Thuận lập ngày 26/9/2019 kèm theo Quyết định này.”

 Cũng ngay trong ngày 10/10/2019, Quyết định số 392/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận cũng được ký ban hành về việc cho Công ty cổ phần Thiên Tân Solar Ninh Thuận thuê đất (đợt 1) tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái để thực hiện dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận (giai đoạn 1). Diện tích đất cho doanh nghiệp này thuê được xác định là 566.226m2.

 Để làm rõ thêm thông tin trên, ngày 19/5/2023, chúng tôi đã cùng đồng nghiệp đặt lịch làm việc với lãnh đạo một số sở, nghành trong đó có Sở Công Thương Ninh Thuận. Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc sở Công Thương xác nhận:  Kết luận thanh tra số 1027 của Thanh tra Chính phủ đã được công khai, hiện tại sở Kế hoạch-Đầu tư là đầu mối cung cấp thông tin đầy đủ nhất vì vừa tập hợp hồ sơ liên quan để cung cấp cho cơ quan An ninh điều tra. Việc dự án ĐMT được phê duyệt xây dựng nhưng chồng lấn quy hoạch hệ thống thủy lợi là có. Ông Võ Đình Vinh thông tin thêm: “ Quy hoạch vùng tưới thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp đã được quy hoạch trước, tuy nhiên sau đó Quy hoạch điện VII bổ sung một số dự án nên đã có chồng lấn. Trách nhiệm chính thuộc về các Bộ, nghành thẩm định hồ sơ, phê duyệt dự án ngay từ đầu. Quan trọng là lúc phê duyệt quy hoạch có lấy ý kiến của địa phương không, nếu lấy thì địa phương giải trình”.

 Điều đáng nói, trong quá trình UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt quy hoạch các dự án điện mặt trời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có ý kiến về sự không phù hợp của việc thực hiện dự án điện mặt trời trên đất chồng lấn nêu trên nhưng không được xem xét đúng mức.

 Việc cho thuê đất đối với dự án ĐMT Thiên Tân làm chồng lấn  hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã gây ra hệ lụy lớn như trong kết luận của thanh tra Chính phủ. Vậy, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan trong việc quy hoạch và giao đất cho doanh nghiệp xây dựng dự án Thiên Tân 1 sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Mời quý độc giả đón đọc ở những bài viết tiếp theo…

Vũ Biên - Mạnh Hùng - Nguyễn Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu