11:59 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Người tiêu dùng cần cẩn trọng với thịt nhập khẩu giá rẻ trên "chợ mạng"

15:12 24/05/2024

(THPL) – Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt nhập khẩu của người tiêu dùng ngày càng được đáp ứng dễ dàng hơn khi mặt hàng này được nhập chính ngạch. Tuy nhiên, trong sự bủa vây của thực phẩm nhập khẩu, người tiêu dùng rất dễ mua phải thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguy hại tới sức khỏe.

Ngoài số lượng thịt nhập khẩu bán trong các hệ thống cửa hàng có thương hiệu thì một lượng thịt nhập khẩu không nhỏ đang được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, chủ yếu là trang web, facebook.

Để mua thịt bò nhập khẩu chỉ cần vào mạng gõ cụm từ sườn sụn, xương sụn bò, cốt lết, dẻ sườn bò Australia, người dùng sẽ thấy hàng loạt bài đăng bán sản phẩm này với giá rất rẻ. Mỗi cân dẻ sườn bò Australia được bán với giá dao động từ 130.000 đồng đến 180.000 đồng/kg, thậm chí chỉ còn 90.000 - 100.000 đồng/kg nếu người mua lấy số lượng lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, dẻ sườn bò trong nước lấy tại các xưởng giết mổ giá buôn thường dao động từ 150.000 - 180.00 đồng/kg và bán lại cho khách là 200.000 - 220.000 đồng/kg. Do đó, hàng nhập về qua nhiều khâu và thêm chi phí vận chuyển mà giá rẻ như vậy thì thật khó khả thi.

Theo chị Nguyễn Hồng Vân, chủ cửa hàng thực phẩm nhập khẩu tại Nhân Chính, Hà Nội, thịt bò nhập khẩu giá bán dưới 200.000 đồng/kg phần lớn là thịt trâu Ấn Độ. Loại thịt này chất lượng rẻ hơn thịt bò Mỹ, bò Úc rất nhiều. Hiện tại, cơ sở của chị Vân nhập thịt lõi vai bò Mỹ giá 250.000 đồng/kg. Sau khi phay hàng ra bán lẻ đều có giá hơn 300.000 đồng. Tương tự, các loại thịt bò khác cũng đều có giá cao hơn trên mạng rất nhiều.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng với thịt nhập khẩu giá rẻ trên chợ mạng. Ảnh: Internet

Các loại thịt bò đông lạnh giá rẻ đều là thịt trâu hoặc các loại hàng cận date, bảo quản hỏng. Thậm chí là loại thịt heo nái chết được “phù phép” trở thành thịt bò. Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý loại thịt bò giả này. Nếu người tiêu dùng mua nhầm loại thịt bò này và sử dụng lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không chỉ thịt bò nhập khẩu được rao bán tràn lan trên mạng xã hội mà thịt lợn nhập khẩu cũng sôi động không kém. Nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu cũng được chào bán với giá khá rẻ như sườn cánh buồm Nga có giá 130.000 - 150.000 đồng/kg, sườn cốt lết Canada 140.000 - 150.000 đồng/kg, móng giò lợn Ba Lan 120.000 - 130.000 đồng/kg, bắp giò lợn Ba Lan cắt khoanh 110.000 đồng/kg, ba chỉ rút sườn Nga 140.000 đồng/kg, thịt nạc vai Nga có giá 130.000 - 140.000đồng/kg...

Theo chị Hoàng Thị Hà (Đống Đa, Hà Nội) - người từng có nhiều năm sinh sống ở nước ngoài cho biết: “Việc ăn thịt lợn đông lạnh với tôi đã thành thói quen. Theo quan điểm của tôi chất lượng thịt lợn đông lạnh so với thịt tươi sống bán ở ngoài chợ được 7 - 8/10 với ưu điểm sạch sẽ và dễ chế biến. Tuy vậy, tôi chỉ chọn mua mặt hàng này ở các siêu thị lớn hoặc cửa hàng nhập khẩu uy tín, dù giá thành có cao hơn”.

Nguyên nhân chị Hà đưa ra là hầu hết chủ các trang mạng xã hội khi rao bán đều giới thiệu thịt lợn đông lạnh có đủ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng khi được hỏi đều tìm cách đánh trống lảng. Ngoài ra, trên sản phẩm cũng không có tem nhãn phụ tiếng Việt, hoặc không có tem nhãn với lý do tem nhãn chỉ dán trên thùng kiện lớn, thịt đã chia nhỏ ra bán thì không có.

Theo tìm hiểu, hầu hết các tài khoản đăng bán thịt nhập khẩu đều không ghi địa chỉ cụ thể mà thường chỉ có số điện thoại để liên lạc qua zalo. Loại thực phẩm này cũng chỉ được ghi chung chung là hàng nhập khẩu từ Úc, Nga, Ba Lan, Canada… chứ không nói được nhập khẩu thời gian nào, qua công ty nào. 

Liên quan đến thịt nhập khẩu, ông Dương Văn Hùng - Phó chủ tịch Liên chi hội đầu bếp Việt Nam cho biết, thị trường thịt nhập khẩu hiện có nhiều nguồn. Nguồn thứ nhất là một số công ty chuyên nhập khẩu theo đường chính ngạch, nhập nguyên con về Việt Nam để giết mổ hoặc các sản phẩm thịt từ các nước Mỹ, Úc, Cannada, Nhật Bản... Nguồn thứ hai là một số nhà hàng, khách sạn.. được cấp phép cũng tự nhập khẩu. Nguồn thứ ba là nhập lậu, từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á về Việt Nam.

“Phẩm cấp các loại thịt nhập khẩu khác nhau nên giá cả cũng khác nhau. Như đối với thịt bò xác định được rất rõ về nguồn gốc, có chất lượng cao, được giết mổ theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thường có giá bán cao, thậm chí rất cao, chắc chắn không có giá dưới 200.000 đồng/kg. Thịt bò giá rẻ thì chất lượng cũng sẽ tương đương. Nếu là người nội trợ, tôi sẽ không bao giờ chọn mua loại thịt giá rẻ”, ông Dương Văn Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng, người tiêu dùng có thể gặp nhiều rủi ro và nguy cơ khi mua thịt giá rẻ bán trên mạng xã hội. Bởi đó là những sản phẩm không được kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, khi chế biến, sẽ không đảm bảo về chất lượng, cảm quan, màu sắc, hương vị của món ăn. Ngoài ra, thực phẩm không đảm bảo chất lượng cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Trước thực trạng thịt nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán ngày càng nhiều, TS. Trần Việt Nga, Phó cục trưởng, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: “Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, kiểm chứng thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của người bán hàng, điện thoại, email... Đặc biệt, người tiêu dùng cần chọn lựa những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng. Khi quyết định mua và sử dụng các mặt hàng thực phẩm nhập ngoại, người tiêu dùng nên tìm tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình nhập và phân phối để mua hàng bảo đảm chất lượng”.    

Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong năm 2023, đơn vị đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu