23:57 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người nghệ nhân hơn 40 năm “giữ lửa” mùa trông trăng

09:16 16/11/2022

(THPL) - Mặc cho các loại khuôn bánh Trung thu làm từ nhựa đang chiếm lĩnh thị trường song nghệ nhân Trần Văn Bản (Thường Tín, Hà Nội) vẫn hằng ngày miệt mài đục từng khuôn bánh, tìm tòi cái mới để cho ra mắt thị trường những khuôn bánh Trung thu truyền thống bằng gỗ độc đáo và sáng tạo.

Cách trung tâm TP. Hà Nội chừng 20km về phía Nam, chúng tôi (PV) không khó để tìm được nhà ông Trần Văn Bản, tại một con ngõ nhỏ của làng nghề Thượng Cung thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. Khi được hỏi về người nghệ nhân này, người trong làng vẫn hay gọi ông với cái tên quen thuộc là "nghệ nhân làm khuôn bánh" bởi ông là người duy nhất trong làng còn gắn bó với nghề này.

Vừa tới con ngõ nhỏ, chúng tôi đã bắt gặp âm thanh “gõ nện vào gỗ” của nghệ nhân Trần Văn Bản. Hơn 40 năm qua, từ những âm thanh gần gũi này mà nghệ nhân Trần Văn Bản đã cho ra thị trường những chiếc khuôn gỗ truyền thống đẹp mắt.

Nghệ nhân Trần Văn Bản (Thường Tín, Hà Nội) vẫn hằng ngày miệt mài đục từng khuôn bánh, tìm tòi cái mới để cho ra mắt thị trường những khuôn bánh Trung thu truyền thống bằng gỗ

Từng tận mắt chứng kiến những khuôn bánh trung thu muôn hình muôn vẻ mới thấy được đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận của người nghệ nhân, “phù phép” những khúc gỗ vô tri vô giác thành những khuôn bánh với đủ hình thù cầu kì nhất.

Để làm ra một khuôn bánh Trung thu hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, từ xẻ gỗ, xử lý độ ẩm, cắt phôi, bào nhẵn, kẻ mực rồi ngâm mỡ. Có như vậy bánh làm ra sẽ đẹp mắt, không bị dính. Người nghệ nhân cho hay, ngày xưa cả làng đều làm khuôn bánh, mỗi mùa xuất hàng cả vạn cái.

Bước đầu tiên để làm khuôn là pha gỗ thành hình khuôn theo kích thước và mẫu mã khách hàng yêu cầu. Sau đó, khúc gỗ này được bào nhẵn để làm phẳng bề mặt nền đáy

Công đoạn quan trọng nhất và được làm thủ công là đục đẽo hình trang trí trong khuôn. Việc này đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, sáng tạo, cẩn thận trong từng đường nét.Từng công đoạn làm khuôn được ông Bản thực hiện một cách chính xác đúng như nguyên mẫu, kiểm tra thật kỹ lưỡng.

Những chiếc dùi đục tạo hình được ông Bản sử dụng một cách thuần thục. Dù đã nhiều tuổi xong những động tác đục đẽo, tạo hình của ông lại rất cẩn thận, khéo léo.

Bất kì hình thù gì, chỉ cần khách yêu cầu, gia đình ông Bản đều có thể hoàn thành. Trung bình mỗi chiếc khuôn truyền thống giản dị bề ngoài nhưng cầu kì đến từng chi tiết bên trong mất khoảng 2 tiếng. 

Để làm ra một khuôn bánh Trung thu hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, từ xẻ gỗ, xử lý độ ẩm, cắt phôi, bào nhẵn, kẻ mực rồi ngâm mỡ
Những chiếc khuôn bánh "thủ công" của nghệ nhân Trần Văn Bản trong sâu thẳm tâm hồn vẫn được xem là một nét văn hóa không thể thiếu đối với người Việt

Khi chúng tôi hỏi nghệ nhân về cái duyên gắn bó với nghề truyền thống, ông thở dài nói: “Tôi được học nghề từ ông, cha mình nên cũng muốn truyền nghề cho các bạn trẻ. Con cái tôi được học làm khuôn bánh từ khi mới học lớp 4, lớp 5. Hiện nay có tất cả 5 người trong gia đình tôi đều theo làm và duy trì nghề truyền thống này. Các cháu muốn học thì tôi sẽ dạy, chỉ sợ các cháu sống hiện đại không muốn theo nghề nữa”.

Với mỗi chiếc khuôn hoàn chỉnh, người nghệ nhân này có thể bán từ 150.00 VNĐ - 300.000 VNĐ/ chiếc. Mỗi dịp trung thu, hộ gia đình như ông thường làm được vài trăm chiếc khuôn. Có những chiếc khuôn cầu kì, to và nặng đến vài cân; lại có những chiếc khuôn chỉ bé bằng miệng cốc; có khuôn hình hoa cúc, hoa hồng cũng có khuôn hình cá chép, hình rồng, … 

Dù thu nhập không lớn, chi phí nhiều và tốn công sức nhưng về thăm gia đình nghệ nhân Bản lúc nào cũng rền rã tiếng đục, tiếng mài, tỉ mẩn với từng khuôn bánh. Ông Bản luôn tin rằng nghề đục khuôn bánh sẽ mãi phát triển và đem lại nhiều giá trị cho gia đình và xã hội.

Trong một xã hội ngày càng hiện đại, khi máy móc dần thay thế sức người, những chiếc khuôn bánh "thủ công" của nghệ nhân Trần Văn Bản vẫn được xem là một nét văn hóa không thể thiếu đối với người Việt. Đó là tâm huyết, công sức, kinh nghiệm bao năm ông Bản chắt chiu trong từng sản phẩm mình làm ra. Những chiếc bánh Trung thu được làm từ khuôn truyền thống không chỉ ngon bởi vị ngon của bánh mà còn chứa đựng trong đó là sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và dung dị qua bao năm tháng của người nghệ nhân đẽo từng hoa văn.

Đỗ Khuyến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu