21:26 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Người giữ nghề chạm bạc Đồng Xâm

| 08:11 10/04/2017

(THPL) - Cảm giác thật gần gũi, thân thiện khi chúng tôi tiếp xúc với ông, nhưng ẩn sau con người đó vẫn là tâm tư, trăn trở làm sao để giữ được nghề gia truyền trên 600 năm để lại cho con cháu. Đó là nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Nhiêu, 74 tuổi, ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm.

Làng chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái (Kiến Xương,Thái Bình) từ lâu nổi tiếng khắp nơi bởi độ tinh xảo với những món hàng chạm bạc độc đáo. Sản phẩm của làng nghề dường như không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn được khách ngoài nước biết tiếng. Nghề truyền thống này là niềm tự hào của người dân nơi đây, do thu hút một lực lượng lao động khá lớn, đến hơn 1.600 lao động và đem lại thu nhập ổn định cho người làm nghề.

Dáng gầy, cao cao, tóc đã bạc trắng… nhưng ông vẫn còn minh mẫn, ngày đêm say mê với nghề chạm khắc bạc, làm ra nhiều sản phẩm tinh xảo theo đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước. Biết chúng tôi là phóng viên về muốn thăm cơ sở chạm bạc, ông Phạm Văn Nhiêu, thôn Tảo Phụ, (xã Hồng Thái) hồ hởi tiếp đón chúng tôi và kể lại thời gian khi ông còn bé với nghề chạm bạc.

Gia đình ông đã 5 đời làm nghề, đến ông là đời thứ 5, từ thủa thơ ấu khi bố ông làm nghề, ông đã tiếp xúc hàng ngày và cứ như vậy, khi lớn lên năm 13 -14 tuổi, nghề đã ngấm vào người ông từ lúc nào không hay. Lúc đó, ông được bố ông cho chạm những sản phẩm đơn giản, ít tinh xảo… dần dần tay nghề đã vững, bố ông cũng tuổi cao sức yếu, ông Nhiêu đứng ra làm chủ cơ sở nghề chạm bạc, giao dịch với khách trong và ngoài nước đặt hàng. Cho đến nay, ông đã 74 tuổi, gắn bó 50 -60 năm trong nghề. Hiện nay, cơ sở chạm bạc của ông Nhiêu tạo việc làm cho trên chục lao động, với cơ ngơi nhà cửa khá bề thế.

Nghệ nhân Phạm Văn Nhiêu bên cạnh những sản phẩm cần chế tác, chạm bạc

Kể cho chúng tôi nghe về nghề, ông Nhiêu nhớ lại tổ nghề là cụ Nguyễn Kim Lâu, học được nghề kim hoàn từ châu Bảo Lạch nước Đại Minh, rồi đem nghề về truyền lại cho dân làng. Điều đặc biệt là các cụ ngày xưa sợ mất nghề, chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu. Không truyền nghề cho con gái, vì con gái đi lấy chồng làng khác mang nghề đi theo sẽ mất nghề. Sản phẩm của cơ sở ông Nhiêu thật đa dạng gồm 3 loại: thờ cúng, trang sức và đồ mỹ nghệ. Đồ thờ cúng gồm các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, ngai, mũ thờ, long lân quy phụng…

Loại hàng này không nhiều, chỉ mang dạng sản xuất đơn chiếc, được khách hàng nước ngoài chú ý và coi chúng như món đồ cổ quý giá. Đồ trang sức gồm rất nhiều loại như: dây chuyền, xà tích, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, khánh, thánh giá… bằng bạc. Mỗi loại lại có nhiều kiểu, dáng khác nhau từ bàn tay của những người thợ. Cũng như nhiều nghề thủ công cao cấp khác, như đúc đồng, luyện kim... nghề kim hoàn mang lại thu nhập cao cho người thợ, kỹ thuật lại hết sức phức tạp, nên suốt mấy trăm năm người Đồng Xâm luôn giữ bí mật nghề.

Theo nghệ nhân Nhiêu, nếu Châu Khê (Hải Dương) sản xuất đồ trang sức bằng vàng là chính; Định Công (Hà Nội) chủ yếu làm nữ trang bằng vàng, Đồng Xâm (Thái Bình) chuyên nghề chạm bạc. Sản phẩm của Đồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sang - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.

Những sản phẩm của ông Nhiêu mang tính đặc trưng của sản phẩm Đồng Xâm và cũng là sự điêu luyện tế nhị và hoàn hảo ít người nghệ nhân nào có được. Có thể nói, tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân như ông Nhiêu và các nghệ nhân chạm bạc Đồng Xâm đã và đang đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật nhất.

“Thợ Đồng Xâm hiện nay không chỉ bó hẹp ở làng, nhiều người tỏa đi khắp nơi, vừa sản xuất vừa dạy nghề. Ở môi trường nào cũng vậy, từ xa xưa đến nay, thợ bạc Đồng Xâm luôn lấy chữ tín, chữ tài làm trọng. Họ giữ phẩm chất, lương tâm người thợ và tinh hoa kỹ thuật nghề nghiệp của đất nước quê hương…” – Ông Nhiêu chia sẻ.

Nghệ nhân Nhiêu chia sẻ: "Thu nhập của người dân làng chạm bạc Đồng Xâm không giảm đáng kể trong bối cảnh kinh tế suy thoái khiến sức tiêu thụ trong và ngoài nước đều chững lại. Thợ tay nghề cao của làng vẫn có thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng, người làm công đoạn giản đơn được 1,5 - 2 triệu đồng/tháng”.

Sản phẩm lọ hoa để bàn thờ qua bàn tay ông Nhiêu có giá trị hàng chục triệu đồng.

Theo ông Nhiêu, sản phẩm của ông làm ra cũng tùy theo đơn đặt hàng, có sản phẩm hàng vài chục triệu tùy vào độ tinh xảo, công sức, nguyên liệu… bỏ ra. Để làm ra sản phẩm phải trải qua 3 công đoạn đó là gò, chạm khắc và ghép. Không phải người thợ nào cũng giỏi để làm đủ 3 công đoạn này, có người giỏi công đoạn ghép, người giỏi công đoạn chạm khắc… Để làm người thợ giỏi phải có năng khiếu, có bàn tay tài hoa ở từng công đoạn, để chạm khắc ra những sản phẩm nhìn có “hồn cốt” bên trong… điều đó mới quan trọng và thu hút được khách đặt hàng.

Ông Nhiêu chia sẻ thêm: “Dù hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả nước và các làng nghề gặp nhiều khó khăn nhưng Đồng Xâm vẫn rất nhiều đơn đặt hàng. Vì chúng tôi rất yêu nghề, sống chết với nghề và không ngừng sáng tạo, và làm nghề với cái tâm để làm ra những sản phẩm độc đáo, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.”

Với cương vị là Phó chủ tịch Chi hội làng nghề Đồng Xâm, nhiều năm nay ông Nhiêu cùng mọi người mở từ 3 - 4 lớp đào tạo thợ làm nghề chạm bạc cho lớp trẻ, hoặc những ai có nhu cầu ông đều tạo điều kiện cho họ đến cơ sở học nghề. Với những đóng góp để giữ nghề, năm 2010, ông Nhiêu được phong tặng nghệ nhân ưu tú và năm 2016, ông Nhiêu vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân.

Trần Thế Vinh 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu