12:22 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Người dân TPHCM đổ xô đi mua máy tạo oxy, bất chấp khuyến cáo

Phương Anh (tổng hợp) | 19:02 20/07/2021

(THPL) – Ngay sau khi có thông tin TPHCM thí điểm cách ly F0 tại nhà, nhiều người đã săn tìm các loại máy có chức năng tạo oxy, đo nồng độ oxy để tự theo dõi sức khỏe; bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia.

Tại chợ online, các loại máy tạo oxy được quảng cáo dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp như: bệnh viêm phổi mãn tính, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD... người thở không hiệu quả, người lớn tuổi. Đặc biệt, máy có khả năng tạo oxy tinh khiết với nồng độ trên 90-96% (oxy y tế). Thế nên, tại TPHCM, nhiều người đang lùng mua các loại máy tạo oxy y tế, đặc biệt là các dòng máy có giá dưới 10 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, máy tạo oxy có nhiều mức giá, từ 7 – 29 triệu đồng tùy mẫu mã, thương hiệu phù hợp với mọi phân khúc khách hàng. “Dù giá có cao nhưng khách hàng đặt mua rất nhiều, hiện sản phẩm đã cháy hàng. Dự kiến sắp tới, giá máy sẽ tăng thêm từ 1 đến 2 triệu đồng do cước vận chuyển” – theo đại diện một cửa hàng điện máy ở quận Tân Phú (TPHCM) nói.

Báo Giao thông đưa tin, trao đổi với các đại lý lớn chuyên cung cấp máy tại TPHCM, các đơn vị này đều nói hết hàng, đặc biệt là những dòng phổ thông có dung tích 3-5 lít/phút từ thương hiệu Owgels, Philips, Reiwa... rất hút hàng.

Tại sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada…, các gian hàng cung cấp thiết bị y tế online cũng đều thông báo hết hàng và chỉ nhận đặt trước từ 10 ngày.

Theo chia sẻ của anh Đoàn Văn Tuyến, nhân viên một hệ thống siêu thị thiết bị y tế tại TPHCM, gần một tuần nay, máy tạo oxy là dòng máy bán chạy nhất tại hệ thống siêu thị. “Mỗi ngày có đến hàng trăm người gọi đến để được tư vấn và đặt mua máy tạo oxy. Đây là con số chưa từng có từ trước đến nay”. Anh nói và cho biết, do lượng khách tăng đột biến nên những dòng máy ở phân khúc thấp “cháy hàng”, siêu thị chỉ còn dòng máy cao cấp.

Một số trang web đã thông báo hết hàng. Ảnh: Internet

Báo VietNamnet cho hay, chị Lê Thùy Vân, đầu mối bán các thiết bị y tế tại Gò Vấp (TPHCM) cho biết, chị mới nhận đặt hàng máy tạo oxy được 5 ngày nay và hẹn khách 2 tuần sau khi đặt sẽ trả hàng. Đến hôm nay, chị đã chốt không nhận thêm đơn của khách, bởi chỉ trong vòng 5 ngày đã có hơn 100 khách đặt. Riêng bộ kit test nhanh, lượng khách đặt đã lên tới 300 hộp (mỗi hộp 25 bộ).

Trên thị trường, các dòng máy tạo oxy có giá dao động từ 8-50 triệu đồng tùy loại và tùy xuất xứ. Song, đa phần các cửa hàng đều thông báo “cháy hàng” tạm thời, khách muốn mua phải đặt trước và chờ tầm 7-15 ngày hàng mới về.

Trước tình trạng người dân đổ xô mua máy tạo oxy thời gian gần đây, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, người dân không nên làm điều này. Bởi, các bệnh nhân mắc COVID-19 cần được điều trị chuyên biệt và không đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế. Các bệnh viện đảm bảo không thiếu oxy, máy thở trong điều trị COVID-19. Ngành y tế TPHCM cũng đã dự trù các tình huống xấu để không bị động.

Còn theo bác sĩ Đặng Thanh Tuấn – Bệnh viện Nhi đồng 1, chuyên gia về máy thở, cũng cho biết việc người dân tự ý đi mua máy tạo oxy là không cần thiết. Bác sĩ Tuấn cho biết đôi khi bác sĩ mới ra trường còn chưa nắm được hết cách dùng máy tạo oxy. BS Tuấn khuyến cáo không nên tự mua dùng, máy tạo oxy phải do bác sĩ cài đặt. "Nếu bị COVID-19 mà tự mua máy tạo oxy và dám thở oxy tại nhà thì tôi khâm phục" – BS Tuấn nói.

Chia sẻ với Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cũng khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua máy tạo oxy, đây là việc không cần thiết.

Ngoài ra, các siêu thị thiết bị y tế cũng khuyên người dân nên cân nhắc khi mua máy tạo oxy. Bởi, loại máy này không phải dễ sử dụng, cần đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về nó để sử dụng đúng cách thì mới mang lại hiệu quả tốt. Người dân chỉ nên dùng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu