13:18 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Công ty TNHH Ngọc Thiên Phú Kon Tum lợi dụng điều tra cơ bản để “rút ruột” tài nguyên?

09:26 02/01/2020

(THPL) - Công ty TNHH Ngọc Thiên Phú Kon Tum là đơn vị chủ đầu tư cùng Đoàn Địa chất III là đơn vị tư vấn được thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá khoáng sản vàng gốc tại khu vực xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đơn vị chủ đầu tư có nhiều nghi vấn “rút ruột” khoáng sản, xả nước thải ra môi trường và thi công ngoài vị trí được cho phép… Bên cạnh đó, công nhân làm việc tại đây đều không được trang bị quần áo bảo hộ lao động, kí hợp đồng và đóng bảo hiểm.

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua tại xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) có rất đông người lập lán trại, đào hầm, hào để thực hiện việc thăm dò, đánh giá trữ lượng vàng.

Đêm đến, nhiều người dân thấy rất nhiều xe ô tô chở các quặng vàng với khối lượng lớn được đóng trong các bao tải đưa ra khỏi địa điểm thăm dò.

Để làm rõ phản ánh của người dân, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật trong vai người đi rẫy đã tiếp cận được một số hầm vàng mà một số người đang thi công.

Một hầm vàng thiếu an toàn được trang bị hệ thống thắp sáng ăn sâu vào lòng đất (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Theo ghi nhận, một hầm vàng được đào sâu hàng chục mét ăn sâu dưới lòng đất, bên trong có hệ thống điện được thắp sáng. Tại đây, có 4-5 công nhân đang thực hiện công đoạn khoan và đẩy đất ra cửa hầm.

Sau khi xúc đất và đẩy ra ngoài, toàn bộ đất đá được công nhân đổ trực tiếp xuống vực sâu. Một đường ống nước có màu vàng sẫm được dẫn từ trong hầm sâu xả thẳng trực tiếp ra môi trường.

Quặng vàng được chất thành đống và đóng trong các bao tải để vận chuyển đi nơi khác (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Trò chuyện với chúng tôi, một công nhân quê Thái Nguyên cho biết, bọn em làm việc ở đây cũng lâu rồi, mỗi tháng tiền lương được khoảng 7-8 triệu đồng và không được kí hợp đồng và đóng bảo hiểm. Một ngày bọn em chia làm 2 ca và làm cả ngày lẫn đêm.

Theo quan sát, mặc dù hầm vàng sâu hàng chục mét, ăn sâu vào lòng đất nhưng các công nhân ở đây đều không được trang bị quần áo, công cụ bảo hộ lao động. Nếu xảy ra tai nạn lao động thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Gần đó, máy nổ vang liên hồi, rất nhiều lán trại được dựng lên không khác nào một “đại công trường”.

Nước thải được xả trực tiếp ra môi trường (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Ngay tại hầm vàng, một khối lượng lớn quặng vàng chất thành đống và đóng trong các bao tải màu vàng để chờ vận chuyển đi nơi khác. Những công nhân làm việc tại đây cũng khẳng định là số quặng vàng này sẽ được vận chuyển đi nơi khác để “đánh giá”.

Thời gian chúng tôi tiếp cận các hầm vàng, cũng không hề thấy bóng dáng của đơn vị tư vấn giám sát hay thậm chí là cơ quan chức năng kiểm soát việc công nhân đưa quặng vàng ra khỏi khu vực hầm.

Một người dân gần đó cho chúng tôi biết, cứ đêm xuống rất nhiều chuyến xe chở quặng vàng với khối lượng lớn được đóng trong các bao tải và vận chuyển ra khỏi địa điểm thăm dò. Cũng không có một cơ quan chức năng nào giám sát việc đơn vị thi công đưa quặng vàng ra bên ngoài. Nếu họ “bắt tay nhau” “rút ruột” tài nguyên thì rất khó kiểm soát.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã tìm đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lộc-Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: “Liên quan đến việc thăm dò, cấp phép thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên-Môi trường. Địa phương là tạo điều kiện địa bàn và giám sát, còn trách nhiệm chính thuộc về Liên đoàn Địa chất miền Nam-Đoàn Địa chất III”.

Còn ông Lê Văn Tấn-Trưởng phòng Khoáng sản, khẳng định: “Đối với công ty Ngọc Thiên Phú đóng góp 100% vốn đầu tư cùng với Liên đoàn Địa chất miền Nam điều tra cơ bản tại xã Đắk Kan để xác định khối lượng vàng bao nhiêu. Cũng chưa được cấp giấy phép thăm dò”.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Hàn Hưng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu