00:20 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ thuật khảm trai Chuôn Ngọ

Lưu Kỳ | 11:27 04/05/2021

(THPL) - Chuôn Ngọ là một làng nghề khảm trai truyền thống thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Các sản phẩm khảm trai của nghệ nhân làng Chuôn Ngọ không chỉ đa dạng, độc đáo mà kỹ thuật khảm cũng đã đạt đến trình độ tinh mỹ bậc nhất.

Chuôn Ngọ - làng nghề cổ nghìn năm

Về thăm Chuôn Ngọ, bạn sẽ nghe thấy nhiều phiên bản tích cổ về ông tổ nghề khảm trai của làng. Có tích cho rằng, ông tổ nghề của làng là cụ Nguyễn Kim. Tương truyền, cụ Nguyễn Kim là một dân chài vô cùng khéo tay người làng Thuận Hóa, Thanh Hóa (sống vào thế kỷ thứ 18, thời vua Lê Hiển Tông). Vì rất tài hoa nên cụ đã phát hiện và tìm cách mài, dũa rồi khảm những mảnh vỏ trai, ốc lấp lánh vào các vật dụng gia đình nên bị kẻ ghen ghét đẩy vào vòng oan sai khiến cụ phải chuyển đến về địa phận làng Chuôn Ngọ ngày nay để sinh sống, sau đó truyền bá nghề khảm trai cho người dân trong làng.

 

Nghề khảm trai tại Việt Nam đã có từ rất lâu đời.

Nhưng có lẽ phổ biến và được tương truyền chủ yếu trong làng Chuôn Ngọ là phiên bản tích cổ cho rằng: nghề khảm ở Chuôn Ngọ nói riêng và Chuyên Mỹ nói chung là do cụ Trương Công Thành (một vị tướng dưới thời Lý) sau khi treo ấn, từ quan đã đi ngao du sơn thủy gặp được kỳ ngộ, cộng với sự uyên thâm và nhanh nhạy, cụ đã khám phá và sáng tạo ra nghề khảm trai rồi truyền dạy cho dân làng Chuôn Ngọ. Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ ra đời từ đó và phát triển cho đến ngày nay. Để ghi nhớ công ơn to lớn của cụ (đã tạo ra kế sinh nhai, mang lại no ấm cho biết bao người dân trong làng), thôn dân Chuôn Ngọ đã tôn cụ là Đức Tổ nghề khảm trai, lập miếu thành hoàng để thờ cụ và tổ chức lễ tế hàng năm.

Dù chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định chính xác về thời gian ra đời và vị tổ nghề của nghề khảm trai tại Chuyên Mỹ nhưng qua hàng loạt các tích cổ và sách sử ghi chép lại, ta có thể thấy: nghề khảm trai đã xuất hiện và được truyền bá tại làng Chuôn Ngọ từ rất lâu đời (hàng nghìn năm). Và cũng như nhiều làng nghề khác, làng nghề truyền thống khảm trai Chuôn Ngọ cũng trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, thiên tai, địch họa, cũng có lúc tưởng như bị mai một. Đã có thời gian, sản xuất trong làng bị thu hẹp, nhiều nghệ nhân kỳ cựu bỏ sang đánh cá hoặc chuyển sang làm các nghề khác để duy trì cuộc sống. Nhưng với tình yêu tha thiết, niềm đau đáu khôn nguôi với nghề và kỹ thuật khảm tinh xảo, người dân Chuôn Ngọ đã vượt qua khó khăn, giữ gìn được nghề tổ. Họ không chỉ nhanh nhạy thay đổi tư duy, phát triển làng nghề theo hướng bền vững mà còn đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường, đưa nhiều sản phẩm tinh mỹ, đa dạng về chủng loại và hình thức xuất khẩu ra nước ngoài, gây được nhiều tiếng vang.

Ngày nay, không chỉ có người dân làng Chuôn Ngọ mới làm nghề khảm trai mà hầu hết các làng trong huyện Chuyên Mỹ cũng phát triển nghề này, giúp rất nhiều người dân trong huyện có công việc ổn định, cuộc sống ấm no. Năm 2007, làng nghề khảm Chuôn Ngọ được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Làng nghề tiêu biểu” và được quy hoạch phát triển làng nghề kết hợp du lịch.

Khảm trai – khảm cả linh hồn người thợ

Theo tìm hiểu, mặc dù nghề khảm trai đã phát triển rầm rộ sang các thôn, xã khác của Chuyên Mỹ nhưng chỉ dừng lại ở một số công đoạn sơ chế nguyên vật liệu, còn những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, khéo léo để có được những tác phẩm khảm trai đầy nghệ thuật và đặc sắc thì chủ yếu chỉ nghệ nhân làng Chuôn Ngọ mới thực hiện được.

Các nghệ nhân trong làng cho biết, để khảm trai vào gỗ sẽ có sáu công đoạn, gồm: vẽ mẫu tranh; cưa vỏ trai khớp theo các nét vẽ; đục gỗ, gắn các mảnh trai đã được cưa vào gỗ (hay còn gọi là cẩn trai); mài khảm; thể hiện đường nét và dùng bột đen chuyên dụng để làm nét các chi tiết của bức tranh khảm trai. Ngoài ra, sau khi đã khảm trai vào gỗ và để cho khô thì các nghệ nhân sẽ mài các mảnh vỏ trai, vỏ ốc được khảm cho bóng, làm bật được màu sắc lấp lánh của vỏ trai trước khi tiến hành đánh vecni.

 

Công đoạn cắt vỏ trai, ốc.

Để tạo ra một sản phẩm khảm trai tinh mỹ, không chỉ đòi hỏi người nghệ nhân phải hết sức tài hoa, có con mắt nghệ thuật, tỉ mỉ mà còn đòi hỏi khi thực hiện các khâu khảm trai, tâm hồn họ phải thật khoáng đạt, dồn hết tâm tư, tình cảm vào sản phẩm. Có thể nói, họ không phải đơn thuần thực hiện những thao tác khảm trai mà những nghệ nhân này đang khảm cả tâm hồn của mình vào từng bức tranh, khiến nó trở nên sống động, có linh tính.

Chính vì vậy mà tranh khảm của các nghệ nhân làng Chuôn Ngọ không chỉ mang nét đặc sắc, rất riêng mà kỹ thuật khảm cũng đạt đến trình độ tinh xảo mà khó làng khảm trai nào có được: mảnh trai được khảm phẳng, gắn khít với gỗ, chi tiết hết sức sinh động và có hồn. Vỏ trai dùng để khảm tranh thường là vỏ của loại trai ngọc môi mỏng (kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày, màu sắc rất đẹp), ốc xà cừ... Có hai loại khảm trai là khảm nổi và khảm chìm. Dù là loại khảm nào thì những bức tranh qua bàn tay tài hoa của người thợ khảm Chuôn Ngọ phần lớn đều trở thành những tác phẩm nghệ thuật. mang tính văn hóa cao.

Một tác phẩm khảm trai.

Trước đây, các nghệ nhân khảm Chuôn Ngọ thường chọn các tích truyện cổ và tích trong truyện Tam Quốc như: Tam cố Thảo Lư; Văn vương cầu hiền… hay các mẫu ước lệ như: tùng, cúc, trúc, mai; sau đó là các danh lam nổi tiếng tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn… để làm chủ để cho tranh khảm trai của mình nhưng ngày nay, các thợ khảm trai đã thiết kế ra rất nhiều mẫu tranh mới độc đáo. Các sản phẩm được khảm trai không chỉ còn là hoành phi, câu đối mà còn là các sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày của người dân.

Lưu Kỳ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu