21:58 ngày 05/04/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hành trình giữ nghề và hội nhập thế giới của làng lụa Vạn Phúc

08:12 28/02/2025

(THPL) - Với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm tồn tại, phát triển, là biểu tượng văn hóa độc đáo của nghệ thuật Việt Nam, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội) hội tụ những tinh hoa của nghề dệt lụa thủ công truyền thống. Tại làng nghề, cộng đồng nghệ nhân, người dân nỗ lực bảo tồn di sản nghề của ông cha, không ngừng sáng tạo để phát triển và hội nhập với thế giới.

Hội đồng Thủ công thế giới trao tặng danh hiệu Làng nghề thủ công thế giới về dệt lụa cho nghệ nhân làng nghề Vạn Phúc

Biểu tượng văn hóa độc đáo của nghệ thuật Việt Nam

Trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc vẫn giữ được các giá trị văn hóa đặc trưng nhất của một làng nghề thủ công truyền thống.

Nằm giữa Hà Thành hối hả, sôi động, khi đến làng lụa, du khách như trở về không gian xưa cũ với lanh canh tiếng đưa thoi dệt vải. Hiện, cả làng vẫn duy trì hơn 130 máy dệt từ 400 hộ sản xuất. Ngoài ra, Vạn Phúc còn có gần 250 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề với khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh khác nhau.

Theo chia sẻ từ Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Nguyễn Văn Hùng: Từ bao đời nay, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc được ví là nghề “tạo hoa trên vải”. Lụa Vạn Phúc quý giá bởi được dệt thủ công từ bàn tay cần mẫn và bằng tình yêu của nhiều nghệ nhân. Điểm độc đáo, hoa văn chìm nổi trên mỗi tấm lụa được tạo ra ngay từ công đoạn dệt, khác hẳn kỹ thuật in hoa văn lên vải như thường thấy tại nhiều làng nghề.

Lụa Vạn Phúc đẹp về màu sắc, tinh xảo trong từng đường nét, hoa văn

Sản phẩm đặc trưng của làng nghề Vạn Phúc là những sản phẩm lụa tơ tằm đẹp về màu sắc, tinh xảo trong từng đường nét hoa văn. Nổi bật là các dòng lụa hoa, lụa trơn, lụa se, lụa vân… với nhiều hoa văn phong phú từ truyền thống đến hiện đại.

Hành trình bền bỉ bảo tồn và phát triển, lụa Vạn Phúc đã tạo dựng được thương hiệu mạnh trong nước, đồng thời vươn ra thế giới. Lụa Vạn Phúc là biểu tượng của sự thanh lịch và tinh tế, trở thành niềm tự hào của người dân Hà Nội, là biểu tượng văn hóa độc đáo của nghệ thuật Việt Nam.

Khi đến khảo sát, xem xét tính phù hợp của làng dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc để trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố thủ công sáng tạo toàn thế giới, Hội đồng giám khảo quốc tế thuộc Hội đồng Thủ công thế giới đã đánh giá cao những giá trị đặc sắc của làng nghề, đặc biệt là bề dày văn hóa và lịch sử phát triển liên tục qua hàng thế kỷ.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Khanh, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công Thế giới dựa trên 4 trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường: “Sản phẩm lụa truyền thống của làng nghề Vạn Phúc được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Làng hiện vẫn còn có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi miệt mài gắn bó với nghề, phát triển các sản phẩm mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống”.

Giữ gìn bản sắc làng nghề

Cũng trong chuyến khảo sát, các thành viên Hội đồng giám khảo, Hội đồng Thủ công thế giới bày tỏ ngạc nhiên, trầm trồ trước những nỗ lực của các nghệ nhân làng nghề Vạn Phúc trong khôi phục, gìn giữ kỹ thuật dệt lụa thủ công truyền thống, đặc biệt là trong tạo mẫu sản phẩm.

Ông Aziz Murtazaev, Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng đoàn giám khảo đánh giá: thăm làng lụa Vạn Phúc với nhiều nét độc đáo của một làng nghề thủ công truyền thống thật sự là những trải nghiệm đầy ý nghĩa dành cho các thành viên trong đoàn. Không chỉ được gặp gỡ với lãnh đạo cộng đồng địa phương, chúng tôi đã có cơ hội tham quan xưởng chế tác và trò chuyện với các nghệ nhân, điều này giúp cho chúng tôi có cái nhìn sâu sắc về niềm đam mê dành cho nghề thủ công truyền thống của họ. Chúng tôi rất ngưỡng mộ trước niềm tự hào mà người dân Việt Nam dành cho di sản văn hóa phong phú, lâu đời và mong muốn chia sẻ di sản đó với thế giới rộng lớn hơn.

Tại xưởng dệt của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, Hội đồng giám khảo đã được chứng kiến câu chuyện hồi sinh cũng như qui trình tạo tác những tấm lụa vân độc đáo, được ví như “hồn cốt”, bản sắc của lụa Vạn Phúc từ ngàn năm qua.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm thao tác kỹ thuật dệt lụa vân độc đáo

Trong quá khứ, lụa vân là một trong những sản phẩm nổi bật của Vạn Phúc, từng là vật phẩm tiến vua các triều đại. Vào thời Pháp thuộc, sản phẩm này từng có mặt tại Đấu xảo quốc tế Paris và đã được tặng danh hiệu "Sản phẩm đệ nhất vùng Đông Dương". Lụa vân cũng từng xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới…

Để hồi sinh thức lụa quí giá đó, với tình yêu và sự bền bỉ, các nghệ nhân làng lụa, tiêu biểu là nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã bỏ nhiều công sức, phục hồi lụa vân cổ và kỹ thuật dệt hoa trên lụa, góp phần vào sự hồi sinh của làng lụa Vạn Phúc.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm: Để lụa Vạn Phúc tiếp tục phát huy sức sống, chúng tôi ý thức được rằng không có gì bền vững bằng chính những yếu tố truyền thống, những giá trị gốc cần được bảo tồn và phát huy. Bởi khách du lịch đến với Vạn Phúc họ luôn muốn tìm thấy tinh hoa của một làng nghề trên những tấm lụa bản địa. Vì vậy, chú trọng phát huy bản sắc làng nghề là trách nhiệm của những nghệ nhân như chúng tôi.

Cộng đồng cùng sáng tạo, phát triển làng nghề

Trong quá trình khảo sát tại làng lụa Vạn Phúc, đại diện Hội đồng Thủ công thế giới cũng rất ấn tượng với nỗ lực của cộng đồng trong quá trình sáng tạo và phát triển làng nghề.

Tới thăm xưởng sản xuất của nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan, đoàn khảo sát rất tâm đắc với sự sáng tạo, khéo léo của nghệ nhân khi kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Theo đó, nghệ nhân đã thành công trong nghiên cứu sản xuất sản phẩm lụa giảm nhàu, không phai, cải tiến kỹ thuật dệt chuyển dần sang tính chất sản xuất bán công nghiệp. Đây được ghi nhận là dòng sản phẩm chiến lược, góp phần thúc đẩy sự phát triển của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan giới thiệu với Hội đồng giám khảo, Hội đồng Thủ công thế giới về sản phẩm lụa giảm nhàu, không phai

Còn tại Hợp tác xã Vụn Art – mô hình không gian sáng tạo với những thành viên là người khuyết tật, sự tài hoa của những nghệ nhân, người thợ trong ghép những vụn lụa thành tranh nghệ thuật đã là minh chứng sống động, thuyết phục Hội đồng giám khảo về tinh thần sáng tạo không giới hạn của nghệ nhân. Điều này cho thấy tinh thần cộng đồng đã đưa làng lụa Vạn Phúc không chỉ là biểu tượng của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, mà còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, kết tinh từ tài hoa cùng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi.

Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới Saad al-Qaddumi đánh giá: “Những tấm lụa mềm mại của Vạn Phúc không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là những biểu tượng sống động của văn hóa, sáng tạo và tinh thần kiên cường của người Việt Nam”. Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới cũng nhấn mạnh: Câu chuyện bảo tồn tinh hoa làng nghề của các nghệ nhân lụa Vạn Phúc là minh chứng rõ ràng cho tinh thần bền bỉ của cộng đồng. Dù phải đối mặt với bao khó khăn, họ vẫn có thể vươn lên và một lần nữa trở thành trung tâm của nền thủ công mỹ nghệ và niềm tự hào văn hóa.

Cùng với việc lưu giữ và phát triển làng nghề dệt lụa truyền thống, tính cộng đồng cũng được phát huy mạnh mẽ khi làng lụa Vạn Phúc phát triển mô hình du lịch làng nghề để bắt nhịp với nhu cầu thị trường về sản phẩm cũng như nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách.

Đến với Vạn Phúc, từ mỗi con đường, ngõ phố, mỗi di tích, điểm tham quan, mỗi cửa hiệu, xưởng dệt đều được qui hoạch, chỉnh trang xanh, đẹp. Cùng với đó, sự thân thiện, mến khách của người dân, các nghệ nhân, thợ dệt đưa du khách tham gia vào một hành trình khám phá văn hóa, lịch sử, cảm nhận tâm huyết, tài hoa của nghệ nhân được gửi gắm trong từng tấm lụa.

Du khách trải nghiệm không gian nhiều màu sắc tại làng lụa Vạn Phúc

Theo lãnh đạo phường Vạn Phúc: Tại làng lụa đã phát triển các tuyến phố Lụa kết hợp với nhiều ngành nghề phụ trợ phục vụ du khách, như: khu ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, cùng nhiều hình thức lưu trú và mua sắm khác.

Hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, làng nghề truyền thống. Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng với những sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Nổi bật như các sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản...

Hành trình giữ nghề, truyền nghề, phát triển nghề của làng lụa Vạn Phúc để trở thành làng nghề thủ công thế giới về dệt lụa là những bài học, kinh nghiệm giá trị để các làng nghề của Hà Nội và cả nước bảo tồn, phát triển, nâng tầm thương hiệu. Từ đó mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

Hoàng Yến (Bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác