02:31 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hởi: Giữ mãi ngọn lửa cho nghệ thuật chèo truyền thống

Quang Huy | 15:07 08/10/2019

(THPL) - Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hởi, thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vẫn làm công việc thầm lặng suốt hơn 50 năm qua, đó chính là thắp sáng lên ngọn lửa đam mê hát chèo cho thế hệ trẻ của địa phương.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hởi sinh năm 1946 tại thôn Phương Thượng xã Lê Hồ. Ngay từ khi còn nhỏ, ông Hởi đã được theo bà, theo mẹ đi nghe hát chèo sân đình, và tình yêu đó cứ ngấm dần trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với ông.

Năm 1963, ông được xã giao phụ trách xây dựng đội chèo thiếu niên. Khi đó, để thành lập đội chèo gặp rất nhiều khó khăn về con người, kinh phí nhưng ông Hởi không nản lòng, quyết tâm xây dựng đội chèo của xã. Đội chèo thành lập, chủ yếu biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị ở địa phương.

Ông Hởi hướng dẫn thành viên CLB các động tác của một vở chèo mới biên soạn.

Năm 1966, ông Hởi đi bộ đội, bước chân vào quân ngũ, niềm đam mê văn hóa, văn nghệ vẫn không thay đổi. Đến năm 1971, xuất ngũ trở về địa phương, ông được xã phân công phụ trách văn hóa, văn nghệ của thôn Phương Thượng. Từ đó đến nay, bao thế hệ thanh niên đã được ông Hởi truyền đạt để giữ gìn nghệ thuật chèo truyền thống.

Ông Hởi không chỉ hát chèo hay, chơi nhạc cụ giỏi mà còn có tài sáng tác. Ông thường xuyên là “đạo diễn” cho các vở chèo của Câu lạc bộ hát chèo xã Lê Hồ. Dù không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, song ông Hởi vẫn tự mày mò nghiên cứu sáng tác được những tác phẩm chèo, viết kịch bản và dàn dựng chương trình để đội chèo đi biểu diễn trong các hội diễn và giao lưu với các địa phương khác.

Các vở chèo do ông Hởi sáng tác đều phù hợp với chủ đề của các chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi Bác Hồ…Chính vì sự đổi mới về nội dung hát chèo, nên Câu lạc bộ đi đến đâu cũng được khán giả vui mừng chào đón và ủng hộ.

Nhiều tiểu phẩm mang đi tham dự hội diễn, liên hoan văn nghệ trong và ngoài tỉnh đạt giải cao, được ban tổ chức khen ngợi, đánh giá cao. Nội dung chủ yếu trong các tác phẩm của ông Hởi là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với đông đảo người dân.

Hiện nay, ngoài sáng tác các tiểu phẩm, hoạt cảnh chèo cho các cơ quan, đơn vị, ông Hởi còn là thành viên tích cực, có nhiều đóng góp trong sự phát triển của CLB chèo xã Lê Hồ. CLB chèo xã Lê Hồ tiền thân là CLB hát dân ca và chèo Kim Bảng, từ năm 2001 đến nay mang tên CLB hát chèo xã Lê Hồ với 17 thành viên.

UBND tỉnh Hà Nam trao danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho ông Hoàng Văn Hởi và các nghệ nhân của Hà Nam hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

Họ cứ say mê như thế, mang trọn trong tim tình yêu với hát chèo như thế và đã cùng với những thành viên CLB hát chèo thu nạp được không ít trái ngọt. Đó là Huy chương Bạc cho tác phẩm "Đất chuyển" tại Liên hoan hát chèo không chuyên toàn quốc, giải Ba với một tác phẩm về đề tài nông nghiệp-nông thôn trong Hội thi Liên minh Hợp tác xã cụm miền Bắc, 2 giải Bạc cho hai tác phẩm "Mùa lúa ơn Bác" và "Hát mừng Đảng quang vinh" ở Liên hoan các CLB dân ca và chèo tỉnh Hà Nam.

Thừa hưởng gen di truyền từ cha ông, lại được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những làn điệu chèo ngay từ tấm bé, đến nay, gần 30 thành viên trong gia đình ông Hoàng Hởi đều có thể hát được một vài làn điệu chèo. Và, đã thành nếp cứ vào mỗi dịp cuối tuần, gia đình ông Hoàng Hởi lại cùng nhau quây quần bên chiếc trống bỏi để luyện tập các làn điệu chèo cổ của quê hương. Ba thế hệ ông bà, con, cháu miệt mài truyền dạy, học cách nhả chữ, ngắt nhịp, luyến láy sao cho vang, rền, nền, nảy đúng chuẩn hát chèo.

Gần trọn đời theo đuổi nghệ thuật truyền thống, với hơn 50 năm âm thầm truyền đạt và cống hiến Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hởi luôn sát cánh cùng “vận mệnh” của nghệ thuật chèo ngay cả khi chèo không còn “thịnh” trên sân khấu. Trăn trở, hiểu được cái “khó” của chèo trong đời sống nghệ thuật hôm nay, nhưng ông Hởi vẫn không ngừng cống hiến với mong muốn truyền lại cho thế hệ sau ngọn lửa tình yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Quang Huy

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu