08:41 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến: Tấm lòng son sắt với nghề mộc truyền thống

| 06:00 08/07/2017

(THPL) - Suốt nhiều năm nay, bằng tâm huyết, ngọn lửa đam mê với nghề mộc, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã hun đúc nên những kiệt tác gỗ nghệ thuật đặc sắc có giá trị và mang đậm dấu ấn cá nhân.

Chàng Sơn được biết đến như một trong những làng nghề lâu đời nhất trong nước. Nơi đây có nghề mộc nổi tiếng vốn rất kén người theo. Từ xa xưa, dân làng vẫn tự hào, chỉ có những người thợ tài hoa, khéo léo và cẩn trọng của Chàng Sơn mới có thể tạc nên những hoa văn cầu kì, tinh xảo, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của những bậc vua chúa, quan lại sành sỏi và khó tính nhất. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, Chàng Sơn ngày nay vẫn không thiếu những người thợ tài hoa có thể làm nên những công trình "đi vào giai thoại".

Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến.

Khi đến Chàng Sơn, không ai là không biết đến nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến. Cho tới bây giờ, dù đã ở tuổi lục tuần nhưng người nghệ nhân ấy vẫn son sắt một lòng với nghề.

Đối diện với ông, ta sẽ có cảm nhận như đang được trò chuyện với một “từ điển sống” về nghề mộc truyền thống. Mỗi một ngôi nhà, đình làng, chùa chiền với kết cấu, hoa văn, kiến trúc ra sao, thời nào... đều được ông kể thành những câu chuyện, điển tích mang những dấu ấn của đời sống văn hoá – tinh thần của cha ông xưa.

Mỗi một ngôi nhà, đình làng, chùa chiền với kết cấu, hoa văn, kiến trúc đều được những người thợ thể hiện rất sáng tạo và tỉ mỉ. 

Ông Tiến chia sẻ: “Làng tôi là làng nghề mộc từ đời cha ông để lại. Mỗi người như tầm tuổi chúng tôi lớn lên đều đi làm thợ, vì nơi đây tất cả là gỗ. Chúng tôi mỗi người kế tiếp giữ gìn cái nghề của ông cha, nên rất đam mê với nghề. Theo như các cụ nói: Cái nghề này tuy không kiếm ra nhiều tiền, nhưng đi đến đâu rất được người dân quý...”.

Ngay từ nhỏ, tiếng chàng, tiếng đục đã in sâu vào tiềm thức của ông Tiến, phải biết cầm đục, cầm chàng trước rồi mới đi học sau. Khi chọn bước chân theo nghề mộc ở cái tuổi 15, ông theo cha học nghề và được truyền dạy nghề gia truyền của dòng tộc. Dẫu còn những thách thức, khó khăn nhưng đến năm 17 tuổi, ông đã khẳng định được bản thân mình nhờ sự cần cù, chịu khó, tạo dựng uy tín trong nghề.  

Thời gian trôi qua, bằng tư suy sáng tạo, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến đã nâng cấp nghề mộc dân dụng truyền thống của tổ tiên, ông cha để lại thành nghề kiến trúc nhà cổ. Để có được những kinh nghiệm dựng nhà cổ, ông Tiến dành nhiều thời gian đi khắp mọi nơi, từ Nam ra Bắc, ghé thăm các di tích, những công trình nhà gỗ đặc sắc mang đậm chất vùng miền. Trước mỗi công trình, ông đều tìm hiểu về phong cách dựng nhà, lối thiết kế và ghi chép cẩn thận làm tư liệu riêng cho mình.

Những đường nét hoa văn được chạm khắc trên từng thớ gỗ rất tinh xảo và kỳ công.

Suốt hơn 40 năm đam mê với nghề nhà gỗ, ông Tiến chia sẻ: “Để học được nghề đòi hỏi sự khổ luyện, kiên trì và tình yêu với những đường nét, hoa văn tinh xảo, để từ những khúc gỗ xù xì thô mộc biến hình thành những lá hoa, rồng phượng, những bức tranh tiên cảnh, hạ giới, làng quê, hay những điển tích xa xưa. Vẫn là những hoa văn, nhưng những người thợ giỏi biết thổi hồn vào đó khiến nó trở nên sống động, mềm mại mà chỉ những người tinh ý mới nhận ra”.

Bằng tâm huyết, ngọn lửa đam mê với nghề mộc, ông cùng tốp thợ đã hun đúc, tôi luyện và chạm khắc tài nghệ của mình để thổi hồn thành những kiệt tác gỗ nghệ thuật đặc sắc và đầy ấn tượng. Ngoài những công trình nhà gỗ ba gian, năm gian cổ truyền, ông tích cực tham gia tu bổ, phục dựng những công trình tâm linh như đình, chùa, đền. Những công trình của ông có mặt ở nhiều nơi, vùng miền. Trong đó phải kể đến những công trình nổi tiếng do ông thiết kế, chỉ đạo thi công như: Quần thể chùa Hà, chùa Trăm gian, Tháp chuông, Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Tây Phương, Thủy đình (công trình trong Bảo tàng dân tộc Việt Nam)...

Không biết bao lần trắng tay, thậm chí khuynh gia bại sản trở về đất Chàng Sơn, được sự động viên của bạn bè, gia đình, ông quyết tâm gây dựng lại xưởng mộc. Cuối cùng, sự quyết đoán, bản lĩnh đã đưa ông trở thành nghệ nhân nhà gỗ thực thụ.

Xưởng gỗ lâu đời hay còn gọi là “đại bản doanh”, quanh năm chuyên cung ứng, sản xuất theo đơn đặt hàng từ khắp cả nước.

Ngôi nhà gỗ Phúc Lộc của ông cũng là một xưởng gỗ lâu đời, hay còn gọi là “đại bản doanh” quanh năm chuyên cung ứng, sản xuất theo đơn đặt hàng các kiểu nhà gỗ: Nhà gỗ 3 gian, nhà gỗ 5 gian, nhà gỗ cổ truyền, thi công nội thất nhà gỗ. Những nhà gỗ này là nguyên khối gỗ, có độ bền cao và có thể nói là lâu nhất, ví dụ để làm một nhà tầng thì tầm 150 năm xuống cấp rồi, nhưng riêng nhà gỗ bằng mít, bằng lim thì nó ở trên cao, hằng trăm năm cũng không hỏng...  

Ngôi nhà gỗ Phúc Lộc này cũng là nơi ông dành tâm huyết của cả cuộc đời gìn giữ tinh hoa mà cha ông để lại. Từ đây, những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ điêu khắc nổi tiếng, các kiểu cách thiết kế, kiến trúc nhà cổ độc đáo, tinh xảo được hình thành từ đôi bàn tay tài hoa của ông.

Ông được Ban chấp hành TW Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề Việt Nam".

Bên cạnh đó, ông luôn hướng cho các con theo nghề của bố, tiếp nối bao năm xây dựng của các bậc tiền nhân. Tuy không khá giả cho lắm, nhưng có công có việc cả đời và ít va chạm với mặt trái của xã hội, đấy chính là điều mà ông cho là hạnh phúc nhất. Ngoài ra, ông cần mẫn, cầm tay chỉ việc truyền dạy nghề cho các bạn trẻ trong vùng, với mong muốn lớp trẻ không ngừng kế thừa và phát huy tinh hoa của nghề mộc Chàng Sơn.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề mộc ở Chàng Sơn không bị mai một mà ngày càng phát triển, các sản phẩm mộc của làng nghề ngày càng vươn xa, chiếm lĩnh các thị trường lớn trên toàn quốc.

Diệu Huyền - Hoà Bình

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu