01:49 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành hàng không chao đảo trước làn sóng nhiên liệu tăng vọt

Tuấn Minh (tổng hợp) | 19:37 02/06/2022

(THPL) - Giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến các hãng hàng không đang phải gồng mình chịu trận, bào mòn nỗ lực phục hồi sau hơn 2 năm chao đảo bởi dịch COVID-19. Cùng với đó là lo ngại của khách hàng về việc giá vé máy bay sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Hiện các hãng hàng không đều bày tỏ sự lo ngại doanh thu sẽ không bù đắp được chi phí khi giá xăng dầu có mức tăng cao nhất lịch sử trong thời gian qua.

Báo VTC News đưa tin, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đang gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu bay tăng mạnh. Ngày 10/3, giá dầu thế giới giao ngay lên tới 161 USD/thùng, trong khi giá bình quân 2021 chỉ khoảng 73 USD/thùng.

Với mức tăng hơn gấp đôi này, kết quả sản xuất kinh doanh của các hãng bay bị tác động rất mạnh. Hãng nào càng bay nhiều thì chi phí càng lớn và số lỗ càng nhân lên. Theo tính toán, chỉ cần với 1 USD/thùng/năm tăng hoặc giảm thì chi phí tăng hoặc giảm sẽ tương ứng 87 tỷ đồng/năm. Hiện, chi phí nhiên liệu bay của Vietnam Airlines trong quý I/2022 chiếm hơn 30% chi phí hoạt động và dự kiến còn tăng sốc trước xu thế tăng giá xăng dầu thế giới.

Tương tự, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietravel Airlines, đánh giá, chi phí nhiên liệu biến động là thách thức cực lớn cho các hãng hàng không, thậm chí một số hãng có thể phải dừng bay nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao.

Ngành hàng không chao đảo trước làn sóng nhiên liệu tăng vọt. Ảnh minh họa

Theo TTXVN đưa tin, khẳng định chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không nên việc giá nhiên liệu tăng cao gây ảnh hưởng lớn, lãnh đạo hãng hàng không Bamboo Airways thừa nhận đây là điều bất lợi cho toàn ngành giao thông vận tải nói chung khi đang trên đà phục hồi sau dịch COVID-19.

“Tăng giá xăng dầu cũng giống như dịch bệnh, đều là các yếu tố khách quan bất khả kháng và đòi hỏi các doanh nghiệp linh hoạt ứng biến, thích nghi. Bamboo Airways đã và đang nghiên cứu, triển khai các phương án khai thác linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế để vừa có thể tiết kiệm chi phí, mặt khác giảm tác động ô nhiễm môi trường,” lãnh đạo hãng bay này nói.

Theo Cục Hàng không, tới thời điểm cuối tháng 5/2022, Vietnam Airlines, Vietjet, Vietravel Airlines...mở lại nhiều đường bay quốc tế quan trọng, còn mạng bay nội địa đã khôi phục 100%. Dù kỳ vọng hàng không sẽ dẫn đầu làn sóng phục hồi sau dịch nhưng các hãng bay vẫn nặng gánh với phí nhiên liệu tăng liên tục, do đó sự tăng trưởng chưa như mong đợi.

Để vượt qua khó khăn, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trong thời gian tới, các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải tích cực “thắt lưng, buộc bụng” và điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm thích nghi tốt hơn với những bất lợi của thị trường. Bên cạnh đó, các hãng cũng cần sự chia sẻ của các cơ quan quản lý nhà nước để giảm một số chi phí như thuế nhiên liệu bay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu… để giảm bớt khó khăn.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu