05:12 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngành công nghiệp ôtô nội địa đối mặt với nhiều thách thức

16:27 22/09/2022

(THPL) - Ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vốn gặp nhiều khó khăn để bắt kịp tốc độ phát triển của các quốc gia trong khu vực nay lại càng chật vật sau khi trải qua 2 năm đình trệ vì đại dịch. Đáng nói, việc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ôtô còn yếu là một trong những nguyên nhân khiến ngành sản xuất, lắp ráp chịu thiệt thòi.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các đơn vị sản xuất, lắp ráp ôtô nội địa. Nếu so với Thái Lan, Việt Nam kém cả về số lượng nhà cung cấp cấp 1 lẫn cấp 2, cấp 3 tính bằng đơn vị lần.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đạt mục tiêu cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô đến năm 2020, phấn đấu đáp ứng 30-40% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô đến 9 chỗ ngồi trong nước. Tuy vậy, tỷ lệ nội địa hóa bình quân đến nay mới dao động 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Nếu tiếp tục giữ tốc độ phát triển này, không ngoại trừ khả năng ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước “lỡ đò” thêm những mục tiêu khác. Điều này phần nào cũng tạo sự thiếu mặn mà đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Ngành công nghiệp ôtô nội địa còn đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh hoạ

Theo Zing.vn đưa tin, chia sẻ hồi đầu năm tại một tọa đàm về công nghiệp ôtô, TS Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - cho rằng đóng góp của doanh nghiệp phụ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa, cho ngành ôtô rất ít.

Trái với nhiều nước cùng khu vực, Việt Nam chỉ có 20-30 công ty có thể cung cấp linh kiện cho ôtô. Song, do sản lượng xe trong nước còn thấp, các doanh nghiệp phụ trợ cũng khó tận dụng dư địa phát triển vì lợi nhuận không hấp dẫn.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện mới sản xuất được 256 chi tiết và cụm chi tiết cho ôtô đến 9 chỗ ngồi, 14 chi tiết và cụm chi tiết cho ôtô trên 9 chỗ ngồi và 17 chi tiết và cụm chi tiết cho ôtô tải. Tuy nhiên, đây phần lớn là những linh kiện đơn giản, không có những chi tiết quan trọng về động cơ, hộp số…

Theo VAMA, một chiếc ôtô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% loại phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước chủ yếu vẫn là chi tiết cồng kềnh, giản đơn... Tình trạng này khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn 10-20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Trước những thực trạng trên, theo TTXVN đưa tin, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thời gian tới, Việt Nam định hướng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Đồng thời, ưu tiên các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số; đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp ôtô... tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành sản xuất nói chung và ngành sử dụng chip bán dẫn và ngành công nghiệp ôtô nói riêng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam rất mong muốn có thêm những đối tác, nhà sản xuất linh kiện lắp ráp tại Việt Nam.

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu