00:15 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nét đẹp làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội

| 21:02 09/08/2017

(THPL) - Làng mây tre đan thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nằm cách trung tâm Hà Nội 25 km về hướng Tây Nam, là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng.

Hà Nội có rất nhiều làng nghề, trong đó làng nghề mây tre đan thủ công cũng không hiếm. Thế nhưng, khách du lịch có dịp đến thăm Chương Mỹ, một huyện nhỏ cách Hà Nội khoảng 25km, sẽ hào hứng, ngỡ ngàng khi được tận mắt chứng kiến những sản phẩm thủ công đan lát đầy sáng tạo và bắt mắt của người thợ làng nghề mây tre đan Phú Vinh.

Những sản phẩm thủ công đan lát đầy sáng tạo và bắt mắt của người thợ làng nghề mây tre đan Phú Vinh.

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh có truyền thống gần 400 năm. Trải qua bao thăng trầm nhưng đến nay vẫn tồn tại và phát triển ổn định. Năm 2002, làng nghề mới chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Làng có 6 thôn, 4 xóm thì 100% thôn, xóm với khoảng 2.700 hộ (chiếm 90% số hộ toàn xã) tham gia làm nghề này. Ngoài ra, Phú Vinh còn có tới 27 công ty và hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ, là đầu mối gom hàng cho các doanh nghiệp. 

Người dân nơi đây đã làm ra những sản phẩm mỹ nghệ phong phú, đa dạng từ mây tre đan

Phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã có dịp đến thăm làng nghề Phú Vinh. Qua tìm hiểu được biết, các nghệ nhân có bí quyết riêng trong chế biến và sản xuất mây tre đan. Ngay từ khi trồng, muốn cây mây thẳng, phải đặt rễ thẳng, rễ dài đến đâu phải đào hố trồng đến đấy. Cây mây, cây song phải đạt tối thiểu 5 mét thì chẻ và đan mới dễ dàng. 

Khâu nguyên liệu được chọn kĩ càng, nhưng chế biến mới đòi hỏi sự công phu và tỉ mỷ của người nghệ nhân. Kỹ thuật chế biến gồm 2 công đoạn: phơi sấy và chẻ mây.

Sau đó, mây sẽ được đem ra chẻ thành các nan mỏng. Chẻ nan mây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan riêng, sợi nan lúc thì chẻ thành từng ống tròn, lúc chẻ thành 7 hoặc 9 nan mỏng

Sợi nan lúc thì chẻ thành từng ống tròn, lúc chẻ thành 7 hoặc 9 nan mỏng
Mây sau khi chuốt được phơi ngoài nắng cho thật khô, để nước trong sợi mây thoát hết ra ngoài. 

Sau công đoạn chẻ, các nan được đem chuốt để có những sợi mây mượt mà, phẳng bóng. Mây sau khi chuốt được phơi ngoài nắng cho thật khô, để nước trong sợi mây thoát hết ra ngoài. Nan mây chưa khô tới thì vỏ bị úa, mà khô kiệt quá thì "nước da" mất vẻ óng mềm. Do đó, phơi sấy mây đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, không thể sao nhãng và phải liên tục trông coi.

Để cho sản phẩm có độ đa dạng về màu sắc, người làng nghề Phú Vinh còn có bí quyết tạo màu riêng. Các nan mây sau khi chẻ, phơi khô, sấy sẽ được nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã được nấu sôi. Các nan nhúng nước sồi sẽ có màu vàng đều. Muốn màu đen óng ả, các nan mây được đem ngâm bùn ao từ ba đến năm ngày. Đây là cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh luôn là những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30-40 năm.

Người làng nghề Phú Vinh còn có bí quyết tạo màu riêng.

Người dân nơi đây đã làm ra những sản phẩm mỹ nghệ phong phú, đa dạng từ mây tre đan. Ngoài những đồ dùng thông dụng trong cuộc sống hàng ngày như đĩa, khay, túi sách, cơi đựng trầu... người thợ làng nghề Phú Vinh còn khéo léo sáng tạo ra những sản phẩm mang tính mĩ thuật cao như bình hoa, đồ trang trí nội thất trong nhà bếp, đèn ngủ... Các sản phẩm này đều đa dạng với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, được làm từ các nguyên liệu như tre, cỏ, mây...

Với khả năng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân Phú Vinh đã tạo ra hàng trăm cách đan khác nhau như: đan xương cá, kết hình hoa và kết màu sắc, tạo hình hoa văn nổi trên nhiều mẫu sản phẩm tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao.

Các nghệ nhân Phú Vinh đã tạo ra hàng trăm cách đan khác nhau.

Ở Phú Vinh, gia đình nào cũng có người làm hàng mây tre. Nghề mây tre đã giải quyết được việc làm cho người dân lúc nông nhàn, việc làm cho phụ nữ, trẻ em và người tàn tật, thực sự còn trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân Phú Vinh tương đối khá giả.

Nghề mây tre đan Phú Vinh trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình.

Hàng mây tre đan của Phú Vinh có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật rất cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, chim thú... Nhìn những mặt hàng này tưởng như được thêu bằng nan.

Hàng mây tre đan của Phú Vinh có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật rất cao 

Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh cũng được lên đường xuất khẩu sang gần 50 nước trên thế giới và rất được các du khách đến từ Nhật, Mỹ, Đức, Pháp… ưa thích và đánh giá cao.

Nghề đan lát thủ công không chỉ đơn thuần giúp đảm bảo đời sống vật chất mà ở khía cạnh tinh thần, truyền thống làng nghề còn có vị trí quan trọng với người dân địa phương. Chính yếu tố truyền thống yêu nghề đã trở thành điểm mấu chốt giúp cho người dân Phú Vinh bám trụ, sống được với nghề mà cha ông để lại qua nhiều thế hệ.

Với bản sắc riêng độc đáo như vậy, làng nghề mây tre đan Phú Vinh là một điểm du lịch không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá nét đẹp của thủ đô Hà Nội.

Diệu Huyền – Hoà Bình

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu