23:21 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Mỹ Hào - Hưng Yên: Dân "tố" chính quyền bảo kê cho chủ đầu tư Dự án Lạc Hồng Phúc, hành hung người dân.

| 12:08 08/04/2017

(THPL) - Hàng chục hộ dân tại thôn Nguyên Xá, xã Nhân Hòa ( Mỹ Hào, Hưng Yên) gửi đơn lên Thương hiệu và Pháp luật kêu cứu về việc bị chính quyền hành hung người dân, còn chủ đầu tư dự án Lạc Hồng Phúc thì đền bù người dân với giá rẻ mạt.

Vừa qua, tỉnh Hưng Yên đã có quyết định chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, Khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại Lạc Hồng - Phố Nối do Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng là chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của PV, Khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại Lạc Hồng Phúc - Phố Nối ra đời với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ở và sinh hoạt cho công nhân, cho nhân dân Huyện Mỹ Hào nói chung và đô thị Phố Nối nói riêng. Tạo dựng khu dân cư đạt tiêu chuẩn Quốc gia là một đóng  góp quan trọng cho việc hình thành thành phố Phố Nối trong tương lai, xây dựng khu dân cư có cuộc sống chất lượng cao, có môi trường thiên nhiên tốt và có các cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, đảm bảo tính đồng bộ hoàn chỉnh và phát triển bền vững.

Dự án Khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại Lạc Hồng - Phố Nối được quy hoạch xây dựng trên lô đất có diện tích 151.361m2 thuộc địa phận xã Nhân Hòa (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, khi chủ đầu tư triển khai giải phóng mặt bằng và san lấp mặt bằng dự án thì gặp phản đổi kịch liệt của người dân.

Bà Bến bức xúc với PV về hành vi đánh dân của cán bộ xã, liên quan đến GPMB dự án Lạc Hồng Phúc

Theo đơn kêu cứu của các gia đình ông Vũ Văn Mẽ, Trịnh Văn Thơm, Trịnh Thị Chợ, Trịnh Thị Hậu, Vũ Văn Thiện… cho biết, các gia đình có thửa ruộng từ hơn 500m2 đến hơn 700m2. Hiện tại, các gia đình được Nhà nước giao cho để cấy lúa, đã được chính quyền địa phương cấp theo bản đồ địa chính, chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993.

Đến ngày 1/1/2016, lãnh đạo thôn Nguyên Xá đưa giấy mời họp đến từng hộ ra nhà văn hóa thôn, đồng thời để xác nhận diện tích của gia đình mình sau đó cho mỗi hộ 50 nghìn đồng. Tiếp đến, ngày 7/10/2016, lãnh đạo thôn lại đưa giấy mời cho các gia đình trong thôn và mang theo chứng minh thư nhân dân ra nhà văn hóa thôn để lấy tiền đền bù với giá là 110 triệu đồng/sào, trong đó bao gồm cả tiền đền bù hoa màu và lương thực cả năm. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không biết là tiền gì, nên không ký nhận. Tuy nhiên, đến 27/10/2016, các hộ gia đình lại có giấy mời của UBND xã Nhân Hòa cùng với lãnh đạo huyện Mỹ Hào về việc họp thông báo giá tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án xây dựng khu nhà ở công nhân và nhà ở thương mại Lạc Hồng, tổng diện tích thu hồi của các hộ dân là 17ha, thì người dân mới vỡ lẽ ra.

Dự án Lạc Hồng Phúc lấy đi rất nhiều đất hai lúa của người dân Nhân Hòa, nhưng đền bù với giá rẻ mạt

Trong cuộc họp đền bù giải phóng mặt bằng các hộ dân kiến nghị với lãnh đạo huyện Mỹ Hào việc thu hồi đất cấy lúa của họ với giá 110 triệu đồng/sào là quá rẻ mạt, không hợp lý, mất trắng ruộng... Đa số ý kiến các hộ dân đưa ra là dự án của doanh nghiệp tư nhân, mà người dân không được gặp đại diện chủ đầu tư để thỏa thuận giá đền bù, thì sẽ không chấp nhận. Nhiều người dân bức xúc: “Nếu là dự án đường sá, trường học, quốc phòng, an ninh… công trình phúc lợi của Nhà nước chúng tôi sẵn sàng nhận tiền đền bù, đằng này đây là một dự án nhà ở của DN tư nhân đền bù người dân giá rẻ mạt rồi phân lô, phân nền đất ra bán hàng tỷ đồng… thử hỏi chúng tôi làm sao mà chúng tôi không bức xúc…”. “Chúng tôi đề nghị UBND huyện, xã cho chúng tôi xem quyết định thu hồi đất của tỉnh, giấy tờ liên quan thì lãnh đạo xã, huyện không cung cấp… và nói rằng: nếu chúng tôi không nhận tiền sẽ gửi vào kho bạc”. – Một người dân khác bức xúc.

Một người dân khác, bà Trịnh Thị Chợ bức xúc: “ Gia đình nhà tôi chỉ còn mỗi mảnh đất nông nghiệp đang sản xuất nuôi 9 miệng ăn, chính quyền cho rằng là hố bom. Vừa qua, lại quy hoạch và dự án Khu đô thị Lạc Hồng Phúc. Nếu chính quyền thu hồi nốt thì nhà tôi không biết làm gì, không biết bấu víu vào đâu, nghề nghiệp không có… Mảnh ruộng trước đây của gia đình cũng bị quy hoạch và dự án, được chính quyền đền bù giá tiền chỉ mua được bộ bàn ghế. Giờ còn mỗi mảnh đất trồng lúa này, giờ thu hồi nốt gia đình tôi coi như trắng tay…”

Cảnh dự án Lạc Hồng Phúc đang sàn nền

Ở một khía cạnh khác, bà Vũ Thị Hồng Bến, thôn Nguyên Xá bức xúc: “ Vào khoảng 10h, ngày 7/4/2017, các gia đình có diện tích đất thu hồi được mời ra nghe đọc lệnh cưỡng chế, vì thế chúng tôi ra để kiến nghị, nhưng ông Phó chủ tịch xã tên là Hoàn không tiếp dân. Sau đó chúng tôi gặp ông Chủ tịch UBND xã Nhân Hòa -  Phạm Văn Cược để kiến nghị. Người dân chúng tôi bức xúc, ghi lại hình ảnh, quay video bằng điện thoại thì ông Cược không cho quay, và gạt điện thoại đi. Sau đó, vị cán bộ này tát tôi một cái… tiếp đến lại tát tiếp bà Chợ (65 tuổi). Hành động hành hung người dân của cán bộ chính quyền Nhân Hòa gây bức xúc của nhiều người dân trong thôn, tôi đề nghị các ngành, chức năng làm rõ sự việc cán bộ hành hung người dân, xử lý theo đúng pháp luật”.

Căn cứ vào Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, gia đình có đất, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi thì được bồi thường thiệt hại về nhà và các công trình xây dựng khác gắn liền với đất. Nhà nước cũng đã quy định cơ chế tự thỏa thuận giá bồi thường khi thu hồi đất giữa doanh nghiệp với người có đất bị thu hồi. Theo đó, dự án xây dựng khu dân cư mà doanh nghiệp đầu tư không phải Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất và chủ đầu tư thỏa thuận với nhau về hình thức chuyển đổi và mức đền bù. Rõ ràng, việc người dân đòi gặp chủ đầu tư để thỏa thuận mức giá đền bù là chính đáng, đúng với quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của PV, dự án Lạc Hồng Phúc đã có quy hoạch từ lâu, nhà đầu tư trước đây đã để dự án treo nhiều năm, không triển khai được. Thì mới đây, dự án này chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng bắt đầu triển khai dự án thì gặp phải dự phản ứng của người dân.

Khi trao đổi với Thương hiệu và Pháp luật, đa phần người dân xã Nhân Hòa kiến nghị cần thỏa thuận lại giá đền bù đất nông nghiệp giải phóng mặt bằng dự án Lạc Hồng Phúc, vì cho rằng chủ đầu tư dự án là DN tư nhân, chính quyền phải cung cấp hồ sơ, văn bản quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, quy hoạch dự án, đồng thời xử lý đúng pháp luật cán bộ chính quyền hành hung người dân…

Đáng lẽ ra, khi có dự án khu đô thị thu hồi rất nhiều diện tích trồng lúa của người dân, chính quyền UBND huyện Mỹ Hào, UBND xã Nhân Hòa cần phải có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, vận động công khai các thông tin, văn bản, quyết định thu hồi đất, quy hoạch dự án, tổ chức họp dân lấy ý kiến… Nhưng đằng này, dường như từ xã Nhân Hòa đến huyện Mỹ Hào lại làm kiểu “ úp mở - xập xí xập ngầu” như “đánh đố” người dân để xảy ra kiện cáo, bức xúc kéo dài. Dư luận báo chí cần các ngành chức năng UNBD tỉnh Hưng Yên, các ban, ngành Trung ương vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ sai phạm ở khâu nào có hình thức xử lý cán bộ, chủ đầu tư.

Vậy có hay không việc cán bộ xã hành hung người dân? Và có việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án Lạc Hồng Phúc kiểu "úp - mở" là chủ trương của ai, làm sai từ khâu nào?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này. 

Nguyễn Hiếu – Khánh Huy

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu