06:08 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Mưa lũ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đang diễn biến hết sức phức tạp

Hoài An – Trần Dũng- Hoàng Hải | 22:16 20/10/2020

(THPL) - Theo ghi nhận của PV Thương hiệu và Pháp luật, tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tại Hà Tĩnh: Các con đường ngõ phố và nhà dân ở thành phố Hà Tĩnh ngập chìm trắng xóa trong biển nước, do những ngày qua mưa lớn và các hồ đập trên địa bàn xả tràn, ảnh hướng lớn nhất là từ hồ chứa nước Kẻ Gỗ. Đường tránh TP Hà Tĩnh ngập sâu khiến người và phương tiện tham gia giao thông bị tắc nghẽn kéo dài.

Các con đường ngõ phố và nhà dân ngập chìm trắng xóa trong biển nước: Ảnh: Hoàng Hải 

Tại huyện miền núi Hương Khê, nước lũ lên nhanh, ngập úng chia cắt cô lập nhiều xã. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực cứu hộ, di dân lên vùng cao tránh lũ an toàn.

Còn tại huyện Cẩm Xuyên, hiện tại toàn bộ 23 xã của huyện Cẩm Xuyên ngập chìm trong biển nước. Trong đó có 6 xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan. Chính quyền địa phương và lực lượng quân đội đã triển khai di dân được 11.000 hộ và 32.000 người dân trong toàn huyện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm hỏi, động viên và trao quà cho những hộ dân bị ngập lụt ở huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Quốc Khánh

Trưa ngày 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã vào vùng lũ huyện Cẩm Xuyên để thăm hỏi, động viên và trao quà cho những hộ dân bị ngập lụt.

Tại Quảng Bình:

Đến 18 giờ ngày 20/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to. Hiện nay, hơn 100.000 ngôi nhà bị ngập, hàng trăm xã, thôn, bản bị nước lũ bủa vây. Ngoài các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nước sông Gianh đang lên mức báo động 3 cũng khiến hàng vạn ngôi nhà ở các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn, các xã thuộc huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa bị ngập sâu.

Tại vùng rốn lũ Tân Hóa, mưa lớn những ngày qua khiến nhiều xã, thôn, bản bị nước lũ chia cắt: Ảnh Trần Dũng 

Tại huyện Minh Hóa, mưa lớn những ngày qua khiến nhiều xã, thôn, bản bị nước lũ chia cắt. Đặc biệt, nước lũ tại vùng rốn lũ Tân Hóa đã vượt mức lịch sử năm 2010 từ 1 đến 2 m; hơn 700 hộ dân ngập sâu trong nước. Các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, vùng chia cắt bắt đầu lan rộng. Tại các xã Vùng Nam - thị xã Ba Đồn, đến sáng 20/10, mực nước đang dâng lên. Hiện nay có hơn 30.000 ngôi nhà bị ngập sâu, hàng vạn người dân đang gồng mình chống chọi với nước lũ.

Từ vùng rốn lũ huyện Quảng Ninh, ông Lê Quang Cải, 65 tuổi, bí thư thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh cho biết: "Chính quyền địa phương đã và đang phối hợp với tất cả các lực lượng, điều động phương tiện để di dời người dân ra khởi vùng ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân."

Các lực lượng điều động phương tiện để di dời người dân ra khởi vùng ngập lụt: Ảnh: Hoàng Hải

Lực lượng chức năng ở đây đã di dời được hơn 5.000 dân lên vùng cao và công tác di dời vẫn tiếp tục. Do nước lên cao, sông chảy xiết nên các lực lượng tiếp cận các vùng bị cô lập gặp nhiều khó khăn… Quảng Bình đang có nhiều điểm bị chia cắt, các phương tiện không thể lưu thông như: Các điểm trên Quốc lộ 1A: Gia Ninh - Hồng Thủy; Phú Hải (thành phố Đồng Hới); Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn); đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Troóc… đường Hồ Chí Minh đoạn trên và dưới chân đèo Đá Đẽo xảy ra sạt lở đất, đá khiến giao thông khó khăn.

Đường Quốc lộ 12A bị sạt lở chia cắt hoàn toàn

23h tối 19/10, do mưa lớn nên xảy ra sạt lở đất tại Quốc lộ 12A đoạn qua xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, ngay trước cửa đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, mặt đường bị nứt gãy hoàn toàn và hiện đã bị cấm qua lại. Cũng do sự cố sạt lở, rất nhiều phương tiện, đặc biệt là người dân vừa nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã bị tắc lại, chưa thể về xuôi.

Quốc lộ 12A đoạn qua xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, ngay trước cửa đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã bị nứt gãy hoàn toàn: Ảnh: Hoàng Hải 

Không chỉ trên tuyến Quốc lộ 12A, mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến tỉnh lộ và đường liên huyện, liên xã tại Quảng Bình bị sạt lở, ngập cục bộ. Hiện tại, lượng mưa vẫn đang rất cao nên nguy cơ sụt trượt tại các đoạn tuyến khu vực miền núi vẫn đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các vị trí đã sụt trượt trước đó.

Đồn biên phòng Cha Lo ở Quảng Bình đổ sập vì mưa lũ

Lúc 22 giờ 30 ngày 19/10, các cán bộ Đồn Biên phòng Cha Lo phát hiện khu vực đóng quân của đơn vị có dấu hiệu sụt lún, tường nhà ở và làm việc có nhiều vết nứt dài khoảng gần 1m. Chỉ 2 giờ sau, xuất hiện các vết nứt lớn hơn ở các dãy nhà làm việc và sạt lở làm đổ sập nhiều dãy nhà làm việc, các cán bộ chiến sĩ phát hiện đã tháo chạy kịp thời và thoát chết trong gang tấc.

Đồn Biên phòng Cha Lo phát hiện khu vực đóng quân của đơn vị bị sạt lún nghiêng : Ảnh Hoàng Hải 
Đồn Biên phòng Cha Lo khu vực đóng quân của đơn vị bị sập đổ hoàn toàn: Ảnh Hoàng Hải 
Quả đồi bên phía ta luy dương (bên trái đường 12A hướng từ nội địa lên) tại Km137+150 bị sụt lún, di chuyển cả quả đồi xuống lấp toàn bộ đường và suối Cha Lo với khối lượng khoảng trên 1.000m3 làm nước suối dâng cao khoảng 2m, chia cắt đường 12A từ CKQT Cha Lo về nội địa. Do nước lũ đang lên nhanh, nguy cơ sẽ tràn qua khu vực đã sạt lở trước đó nên bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp 34 hộ với 127 người của bản Cha Lo về bản Bãi Dinh, Ka Vàng, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa để đảm bảo an toàn.

Theo thông tin thống kê từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đợt mưa lũ này đã khiến hơn 96 ngàn căn nhà bị ngập sâu. Trong đó các huyện có số lượng nhà ngập trong nước nhiều nhất là Lệ Thủy, Quảng Ninh và thị xã Ba Đồn.

Ngoài ra mưa lũ cũng đã làm 4 người chết, 9 người bị thương, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt. Cuộc sống người dân Quảng Bình tại các vùng ngập lũ đang hết sức khó khăn, thiếu thốn về nước uống, nhu yếu phẩm cũng như áo phao.Trong những ngày qua, chính quyền các địa phương tại Quảng Bình cũng như lực lượng công an, bộ đội biên phòng và các tình nguyện viên, người dân có thuyền, bè đã phối hợp ứng cứu, di dời đến nơi an toàn hơn 23 ngàn hộ dân.

Đến 21h tối nay 20/10, lũ trên các sông tại Quảng Bình đang xuống chậm và vẫn ở mức rất cao, mực nước trên sông Gianh tại Đồng Tâm trên báo động I là 1.47m và tại Mai Hóa trên báo động II là 0.71m. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy trên BĐ III 1.63m, trên lũ lịch sử năm 1979 là 0.42m. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Bình đã huy động toàn lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng cũng như các đội cứu hộ chuyên nghiệp của các bãi biển, ngư dân vùng bãi ngang vào cuộc giúp dân, di dời dân đến nơi an toàn. Cùng đó các mũi của Quân khu 4 đang trên đường hành quân về vũng đại hồng thủy để tiếp tục cứu dân.Hiện lực lượng chức năng tại Quảng Bình vẫn đang tiếp tục căng mình cùng người dân ứng phó với lũ, đưa người tại vùng nguy hiểm ra ngoài, đồng thời nhanh chóng cứu trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho bà con.

Tại Quảng Trị :

Theo kế hoạch do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 mới ban hành, lễ truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 tử vong do sạt lở đất sẽ diễn ra vào trưa 22.10 tại TP.Đông Hà (Quảng Trị).

Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị (đường Trường Chinh, TP.Đông Hà, Quảng Trị) nơi tổ chức lễ truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 : Ảnh Trần Dũng

Hình thức tổ chức lễ tang tập trung do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chủ trì theo nghi thức quân đội. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 sẽ tổ chức lễ viếng bắt đầu từ lúc 7 -10 giờ ngày 22/10. Lễ truy điệu và di quan từ 10 - 11 giờ ngày 22/10 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị (đường Trường Chinh, TP.Đông Hà, Quảng Trị).

Tại Huế


Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang nỗ lực ra sức tìm kiếm 15 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 đang bị mất tích: Ảnh Hoàng Hải 

Vượt qua mọi khó khăn do thời tiết mưa lũ, hôm nay 20.10, lực lượng cứu hộ vụ sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) đang chạy đua với nước lũ cho công tác cứu hộ ở giai đoạn 2, nỗ lực tìm kiếm cứu nạn 15 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 đang mất tích.

Hiện tại vùng tâm lũ Hà Tĩnh - Quảng Bình đang là tâm điểm của nhân dân cả nước chung tay cứu trợ chia sẻ với bà con vùng lũ lụt bị cô lập, đang gặp khó khăn về nhu yếu phẩm.

Nhiều địa phương và các tổ chức kêu gọi chung tay quyên góp, chia sẻ khó khăn cùng nhân dân miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt bằng những việc làm thiết thực: Ảnh Hoàng Hải 

Thương hiệu và Pháp luật sẽ liên tục cập nhật thông tin tới bạn đọc!                                                                                                                                         

Hoài An – Trần Dũng- Hoàng Hải

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu