01:08 ngày 28/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Các địa phương chủ động ứng phó ATNĐ sắp hình thành trên Biển Đông

18:31 21/06/2024

(THPL) - Mùa mưa bão năm nay được nhận định sẽ rất phức tạp, cần đề phòng các cơn bão dị thường, trái quy luật cũng như các cơn bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, sáng nay 21/6, trên khu vực bắc và giữa Biển Đông hình thành một rãnh áp thấp có trục tây bắc - đông nam. Dự báo, khoảng ngày 23-24/6, trên rãnh áp thấp này có khả năng hình thành một vùng áp thấp. Vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với xác suất khoảng 65-75%.

Theo ông Hưởng, với diễn biến quy luật khí hậu giai đoạn này, áp thấp nhiệt đới có thể di chuyển theo hai hướng. Hướng thứ nhất, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào đất liền Trung Quốc. Hướng thứ hai, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Cũng theo ông Hưởng, sự xuất hiện của rãnh áp thấp làm thay đổi thời tiết miền Bắc trong những ngày tới. Do gió đông nam hoạt động tăng cường làm vùng áp thấp nóng phía Tây suy yếu nên nắng nóng ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ suy giảm dần. Từ ngày 22/6, nắng nóng dịu dần ở miền Bắc, từ 23/6, nắng nóng kết thúc. Ở miền Trung từ 23/6, đợt nắng nóng gay gắt nhiều ngày qua sẽ suy giảm đáng kể.

Các địa phương chủ động ứng phó ATNĐ sắp hình thành trên Biển Đông. Ảnh minh hoạ

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 9, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền. Mùa mưa bão năm nay cũng được nhận định sẽ rất phức tạp, cần đề phòng các cơn bão dị thường, trái quy luật cũng như các cơn bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Trước đó, chiều 30/5, vùng áp thấp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, đến chiều ngày 31/5, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, là cơn bão đầu tiên trên khu vực Biển Đông trong năm 2024, có tên quốc tế là bão MALIKSI.

Nhằm chủ động ứng phó các vùng áp thấp mạnh lên thành ATNĐ và bão, ngày 20/6, Văn phòng Bộ Công an có Công điện gửi thủ trưởng các đơn vị Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông CAND và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương nắm chắc tình hình về diễn biến của thiên tai; chủ động toàn diện các biện pháp kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm công tác ANTT tại cơ sở; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó thiên tai để giảm thiểu thiệt hại. Thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và hình ảnh, hoạt động của lực lượng CAND trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, báo cáo về tình hình, diễn biến, thiệt hại do thiên tai và công tác triển khai ứng phó của lực lượng CAND về Văn phòng Bộ theo quy định (SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu