11:24 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Module chính của Nga trên ISS đã kích hoạt hệ thống báo khói

18:15 09/09/2021

(THPL) - Theo Roscosmos, hệ thống báo khói và báo động đã được kích hoạt ở module Zvezda của Nga trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Ngày 9/9, Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga Roscosmos cho biết module dịch vụ Zvezda - module chính của Nga trên ISS đã kích hoạt hệ thống báo khói.

Các hãng thông tấn của Nga đưa tin các phi hành gia trên ISS đã ngửi thấy mùi nhựa cháy. Theo Roscosmos, hệ thống báo khói và báo động đã được kích hoạt ở module Zvezda, khoang sinh hoạt của các thành viên phi hành đoàn trên ISS, khi hệ thống pin đang trong chế độ sạc qua đêm.

Ảnh minh họa. Ảnh: Al Jazeera

Hãng thông tấn RIA dẫn nguồn tin của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết nhà du hành người Nga Oleg Novitsky đã nhìn thấy khói và ngửi mùi khét, trong khi nhà du hành người Pháp Thomas Pesquet cho biết mùi nhựa hoặc thiết bị điện tử cháy đã lan từ khoang của phi hành đoàn của Nga đến khoang của phi hành đoàn Mỹ.

Rất may, tất cả các hệ thống sau đó đã hoạt động bình thường trở lại. Các chuyến đi bộ ngoài không gian trong ngày 9/9 vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Theo TTXVN, tháng 7 vừa qua, Tổng Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin cho biết đã xảy ra tình trạng hạ áp suất kéo dài ở module Zvezda. Tình trạng giảm áp xảy ra suốt 2 tuần trước khi Nga phóng module nghiên cứu Nauka lên ISS. Đến ngày 29/7, Nauka đã kết nối với module dịch vụ Zvezda.

Reuters lưu ý, trong thời gian gần đây đã xảy ra một vài sự cố trên trạm vũ trụ ISS. Một trục trặc phần mềm và khả năng cả sự thiếu tập trung của con người khiến toàn bộ trạm vũ trụ ISS chệch khỏi vị trí bay thông thường cách Trái đất khoảng 400km vào tháng 7 vừa qua. 

Được biết, Zvezda có nghĩa là "Ngôi sao" trong tiếng Nga, là module chính của Nga trên ISS. Zvezda có cabin, hệ thống hỗ trợ sự sống và định vị, nhưng không có phòng khoa học riêng biệt.

Trạm Vũ trụ quốc tế ISS được xây dựng năm 1998 trong dự án hợp tác giữa Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản và một số quốc gia Châu Âu. Hiện có bảy phi hành gia trên trạm vũ trụ ISS: 2 phi hành gia Nga, 3 từ Mỹ, 1 từ Pháp và 1 từ Nhật Bản.

Mai Chi tổng hợp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu