04:58 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ly kỳ câu chuyện tìm mộ cụ Trạng Trình: Sự thật hay trò lừa đảo để “buôn thần bán thánh”?

| 20:54 20/02/2017

(THPL) - Thời gian gần đây, thông tin phát lộ mộ phần của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng khiến dư luận và các nhà ngoại cảm quan tâm. Người vui mừng, kẻ nghi ngờ khiến tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương bất ổn. Vậy đâu là sự thật hay chỉ là sự bịa đặt nhằm trục lợi cá nhân của một nhóm người?

Ly kỳ chuyện “thần thánh” tìm mộ

Mới đây diễn ra một hội thảo gồm nhiều nhà khoa học như: Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Phan Anh, Tiến sỹ - Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng tiềm năng con người, Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam...nhằm đi tìm sự thật mộ cụ Trạng Trình.

Theo tài liệu của hội thảo, tại sân và vườn nhà bà Bùi Thị Hiền và ông Trần Văn Bắc ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, từ tháng 6/2012 đến tháng 9/2015 đã phát tích một quần thể 18 ngôi mộ cổ, trong đó có 1 ngôi có quách gỗ màu đỏ, mùi thơm, trên ghi nhiều chữ nho.

Trước đó, tháng 3/2014, bà Bùi Thị Hiền được một nhà nho báo mộng cho biết ông đang nằm ở vườn nhà bà và muốn được đưa ra ngoài. Hôm sau, bà Hiền đào trong vườn thì phát hiện một quách gỗ, bên trong chứa hộp sọ và ít xương. Gia đình đã xếp bộ hài cốt sang tiểu sành và mang ra nghĩa trang của thôn để chôn cất, còn tấm quách thì vứt ra bờ rào.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường bên hiện vật nghiên cứu mộ cụ Trạng Trình

Biết được thông tin, ông Ngô Văn Hiển (giảng viên Trường Đại học Dân lập Hải Phòng) tìm tới, chụp ảnh những chữ nho trên tấm quách và đến gặp cụ Lương Bắc Tưởng - một người rất giỏi chữ hán nhờ dịch hộ. Cụ Tưởng nhìn thì đọc được hai chữ là Kim Lan (Lan vàng). Như có duyên kỳ ngộ, hôm đó, nhà thư pháp Lê Thiên Lý cũng đến nhà cụ Tưởng chơi, rồi xin đem những tấm hình về nghiên cứu.

7 ngày sau, ông Lê Thiên Lý ra một bài thơ. Sau đó, ông Lý mừng rỡ nhận thấy đây có khả năng là ngôi mộ của cụ Trạng Trình. Cùng thời gian này, bà Bùi Thị Hiền lại nằm mơ thấy cụ nhà nho về nói, “Ta chính là Trạng Trình. Ta lên để giúp nước”.

Đến ngày 9/1, tại bảo tàng Hải Phòng, theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang, một số nhà nho cùng cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng đã đục tấm quách thì thấy một thẻ tre dài khoảng 25cm, sau khi nghiên cứu kỹ, đọc được 4 chữ quan trọng ở đầu thẻ tre là “Mạc Triều Trạng Nguyên”. Mọi người cho rằng đó chính là “chứng minh thư” của Cụ Trạng. Đêm hôm trước, nhà khảo cổ học, Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường cũng nằm mơ, thấy có cụ già về báo mộng là cứ phá quách ra thì sẽ tìm thấy một thẻ tre!?

Thẻ tre được tìm thấy trong quách gỗ

Tiếp đó đến ngày 11/1, tại Hải Dương, các nhà nghiên cứu đọc thêm được chữ Cù Xuyên (là hiệu của gia tộc cụ Nguyễn Văn Định - cha của Cụ Trạng). Qua thời gian nghiên cứu, dịch chữ, Viện nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, Hội Khảo cổ học Việt Nam và một số cán bộ, nhà nho ở Hải Phòng đã đi sâu nghiên cứu, thu được nhiều kết quả quan trọng và khẳng định, đây có thể là ngôi mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Vẫn chưa đủ bằng chứng khoa học

Cụ Trạng Trình là danh nhân văn hóa lỗi lạc, là nhà tiên tri với những lời “Sấm Trạng” tiên đoán nhiều sự việc trước hàng trăm năm, là niềm tự hào của không chỉ riêng nhân dân huyện Vĩnh Bảo nơi Cụ sinh ra, mà còn là của toàn thể người dân Việt Nam. Tìm thấy phần mộ của Cụ là mong mỏi của người dân, do vậy, đã có không ít những nỗ lực tìm kiếm và điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc bằng cái tâm sáng, cũng không ít những kẻ lợi dụng danh tiếng của Cụ, tung tin đồn thất thiệt hòng trục lợi cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Quyn – Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo xác nhận với PV Thương hiệu và Pháp luật, từ trước đến giờ đã có rất nhiều nhà ngoại cảm về tìm mộ Cụ Trạng, mỗi người chỉ một nơi, dẫn đến có khá nhiều địa điểm an táng Trạng Trình. Ông Quyn cho biết: “Khu vườn nhà bà Hiền trước đây là nghĩa địa cổ, được chôn cất chồng chéo nên việc phát tích nhiều ngôi mộ cổ là điều đương nhiên. Lúc chúng tôi kiểm tra tại xã, không có biên bản, không có hiện vật”.

“Cái quách mà được cho là tìm thấy tại nhà bà Hiền, chúng tôi và người dân trong thôn, trong xã không ai chứng kiến việc đào mộ. Cái quách đó quá bé, tôi nghĩ đó là hộp đựng đồ tùy táng chôn theo người chết.” – ông Quyn nhấn mạnh.

Các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu tìm sự thật

Sau 2 năm, trong biên bản bàn giao cho Bảo tàng Hải Phòng cũng chỉ có cái quách, không có chiếc thẻ tre. Do đó, gốc tích chiếc thẻ tre là không chắc chắn, và cũng không có loại tre nào có thể tồn tại được hơn 400 năm.

Ông Đoàn Văn Chung, chủ tịch UBND xã Cộng Hiền cũng xác nhận mọi việc chỉ là nghe kể lại, không biết việc đào mộ trong nhà bà Hiền là có thật hay không. Ông Chung cho biết: “Đã chỉ đạo xác minh thông tin và tuyên truyền tất cả mọi người trong xã không nghe theo những gì trên mạng đang lan truyền, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương”.

Ông Đỗ Xuân Trung, Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho biết: “Căn cứ theo Luật di sản văn hóa, thì hiện vật thu được phải đưa ngay về cơ quan có chức năng bảo tồn và nghiên cứu (Bảo tàng Hải Phòng). Thế nhưng, hiện vật lại được một người thiếu chuyên môn (nhà văn Nguyễn Thụy Kha) tự ý mang đi Hà Nội, 2 năm sau mới bàn giao cho bảo tàng”.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc bảo tàng Hải Phòng khẳng định: “Câu chuyện về chiếc quách tìm thấy ở Vĩnh Bảo, từ trước đến nay việc nghiên cứu chỉ toàn được triển khai bởi các nhà ngoại cảm, các nhà tâm linh, và mỗi mình PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Chứ các nhà khoa học có chuyên môn hiện nay chưa có ai vào cuộc cả”.

Từ ngày rộ lên tin đồn tìm thấy mộ phần cụ Trạng, rất đông người dân hiếu kỳ hoặc đang bị thất lạc mộ phần người thân tìm đến nhà bà Hiền mong được giúp đỡ, gây mất an ninh trật tự địa phương. Cũng từ ấy, người ta thấy bà Hiền “phất lên như diều", giàu có nhanh, xây nhà, mua xe ô tô chỉ trong một thời gian ngắn.

Trước câu chuyện ly kỳ tìm mộ cụ Trạng Trình, Viện Nghiên cứu Ứng dụng tiềm năng con người đã lập hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chính phủ giao cơ quan chức năng thẩm định, công nhận chính thức. Sau khi nhận được văn bản trên, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1126 chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xử lý theo quy định.

Trước khi cơ quan chức năng tìm ra bằng chứng khoa học, người dân không nên tin tưởng hay mê tín mà tin vào những kẻ xấu trục lợi, lừa đảo.

Ngọc Phương

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu