11:16 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Có nên xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh?

Anh Tuấn (tổng hợp) | 14:12 21/05/2020

(THPL) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội đều đồng tình không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội sáng nay 21/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa), có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất là nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Lý do là bởi, nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 21/5/2020. (Ảnh: VPQH)

Theo báo Hải quan, về lý do đưa ra ý kiến này, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phân tích: Xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Nêu quan điểm việc điều chỉnh, quy định về đối tượng hộ kinh doanh cần luật riêng, đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra con số cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản là 655 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động… Đây là loại hình rất cần được nâng cấp quản lý từ Nghị định lên thành luật riêng để có địa vị pháp lý cao hơn.

Đại biểu cũng cho rằng, hộ kinh doanh có nhiều khác biệt với doanh nghiệp khi chủ yếu hoạt động theo truyền thống gia đình, quy mô nhỏ lẻ nên khi tách các quy định với hộ kinh doanh ra thành luật riêng để quản lý thì sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Đồng tình với việc không nên đưa đối tượng là hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh, quy định trong dự thảo Luật Doanh nghiệp, mà cần xem xét ban hành luật riêng, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, số lượng hộ kinh doanh nhiều gấp 5 đến 6 lần doanh nghiệp; hộ kinh doanh về bản chất hoạt động và có cách thức, quy mô rất khác so với doanh nghiệp. Việc luật hóa hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp nhưng chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hàng triệu hộ kinh doanh.

Cũng với quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, khi hộ kinh doanh phát triển lên thành doanh nghiệp sẽ quản lý theo Luật Doanh nghiệp, qua đó đơn giản hóa công tác quản lý, tránh chồng chéo, lúng túng trong thực hiện khi được quy định trong luật chung.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị sớm xem xét ban hành luật riêng đối với hộ kinh doanh để tạo sự bình đẳng cho các hộ kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý.

Theo báo Hà Nội mới, làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp có lợi cho hộ kinh doanh, chứ không cản trở hoạt động của loại hình này.

Bên cạnh đó, việc đưa vào luật cũng khẳng định tính định danh cho loại hình hộ kinh doanh, tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi, áp dụng các chương trình hỗ trợ, gỡ bỏ rào cản, vướng mắc trong quản lý các hộ kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, vấn đề này không làm phát sinh các thủ tục hành chính, đồng thời thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp.

“Nếu đưa đối tượng hộ kinh doanh vào luật riêng thì sẽ cần ít nhất 3 năm nữa mới xây dựng xong được luật. Do đó, khi nào cần thiết sẽ xây dựng luật trên cơ sở chuyển toàn bộ nội dung được quy định trong Luật Doanh nghiệp sang luật mới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bên cạnh vấn đề về hộ kinh doanh, các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định doanh nghiệp nhà nước; con dấu và thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp; quyền của cổ đông phổ thông; việc chào bán trái phiếu riêng lẻ…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu, giải trình và chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Anh Tuấn (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu