01:59 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng đề nghị chưa tăng lương cơ sở để chia sẻ khó khăn do dịch Covid-19

14:05 20/05/2020

(THPL) - Để chia sẻ khó khăn do dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chưa tăng mức lương cơ sở, lương hưu từ ngày 1/7/2020 như nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.

Theo báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong khi nhiều quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch thì hơn một tháng qua, tại Việt Nam chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo báo Tiền phong, theo Thủ tướng, để đạt được kết quả quan trọng này là do Việt Nam đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.

“Kết quả này thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như: dệt may, da giầy, chế biến gỗ, thủy sản... sụt giảm mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình, quy mô doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Quang cảnh kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV (Nguồn: Quochoi.vn)

Dù vậy, Thủ tướng khẳng định “vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế”, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội sau dịch.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao. Việt Nam vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để rơi vào suy thoái; trong khi hầu hết các nước, đối tác lớn đều tăng trưởng âm.

Về mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh “đây là thách thức lớn và khó đạt được”. Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế, xã hội và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách Nhà nước, bội chi, nợ công.

Theo báo Kinh tế đô thị, cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách đã được ban hành, Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới:

Cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả.

Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Anh Tuấn (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu