23:10 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Loại bỏ những “chi phí ngầm” khiến doanh nghiệp "đau đầu", khó hay dễ?

| 16:41 15/03/2017

(THPL) – Những khoản chi phí không chính thức hay "chi phí ngầm" mà doanh nghiệp phải "đầu tư" để tránh bị làm phiền, giải quyết nhanh công việc được Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ thẳng thắn.

Vừa qua, câu chuyện một người đứng đầu một doanh nghiệp than phiền mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo thì công ty phải chi vài chục nghìn USD tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến về sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận. 

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Thanh tra Bộ lập đoàn xác minh, giao Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, làm việc cụ thể với các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, làm rõ thông tin doanh nghiệp phản ánh.

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn bày tỏ, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc doanh nghiệp phải “đầu tư” những "chi phí không chính thức" hay "chi phí ngầm" là rất phổ biến, đặc biệt nếu doanh nghiệp xin giấy phép mang tính chất độc quyền thì "chi phí ngầm" là điều không thể tránh khỏi.

Thực ra với doanh nghiệp Việt Nam, chi phí chính thức đã lớn, nhưng nhiều khi chi phí phi chính thức còn lớn hơn. Chúng ta cũng phải khẳng định điều này là phổ biến. Cho nên đi xin phép, một cái giấy phép nào đó mà đặc biệt giấy phép mang tính chất độc quyền mà cần phải phí, thì tôi nghĩ rằng điều đó là điều chắc có. Còn con số thực tế là bao nhiêu thì chúng ta không biết, chỉ những người xin, người cho biết”. - Ông Cung chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (phải) và ông Nguyễn Văn Tỉnh (trái - đại diện một doanh nghiệp) đều cho rằng, một bộ phận công chức hiện nay vẫn chưa "chuyển động" theo sự chỉ đạo của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề tại sao những "chi phí ngầm" có cơ hội phát triển, ông Cung phân tích về sự thiếu nhất quán trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Đình Cung cho biết, tính không nhất quán, trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn giữa quy định pháp luật và thực tiễn, giữa các bộ, các ngành, giữa Trung ương và địa phương là phổ biến và tồn tại nhiều năm qua.

Có nhiều lý do để lý giải như các ngành soạn thảo ban hành các quy định pháp luật thường nghiêng về quan điểm của mình, cách thức nhìn nhận của mình, thậm chí có lợi ích của mình, kéo thuận lợi về cho mình, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp thực hiện luật theo chiều ngang, họ không thực hiện một văn bản mà phải thực hiện hàng chục văn bản; thực hiện văn bản này thì sai văn bản khác. 

Còn các công chức thừa hành bên dưới rất “nhạy cảm” với việc này, họ có thể “hành” doanh nghiệp bởi những quy định. Họ có thể tạo điều kiện giải quyết cũng được mà không tạo điều kiện giải quyết cũng được, cho nên phần đúng luôn luôn thuộc về phía công chức Nhà nước.

Để loại bỏ những chi phí ngầm này, tiến sĩ Cung cho biết, dễ thì rất dễ mà khó thì cũng cực khó. Dễ ở chỗ, cứ loại bỏ nhiều thủ tục hành chính, nhiều giấy phép, đơn giản hóa những thủ tục hành chính, minh bạch hóa tất cả quá trình để thực hiện chính sách.. Nhưng khó ở chỗ, ai làm điều đó? Hiện nay, bộ máy hành chính của chúng ta vẫn đang dựa vào thủ tục, dựa vào giấy phép, chứng nhận ... để quản lý. Muốn thay đổi cách quản lý này thì đầu tiên phải thay đổi về tư duy theo hướng phục vụ, kiến tạo, đồng thời phải có công cụ khác để quản lý.  

"Chúng ta phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tiền kiểm nghĩa là giấy phép, chứng nhận, còn hậu kiểm chủ yếu là quản lý dựa trên đánh giá phân tích rủi ro. Tại Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 đã nói rất rõ phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cách làm nó dễ như thế, nhưng làm được điều đó, chúng ta phải vượt lên chính mình, từ người lãnh đạo đến từng công chức phải thay đổi tư duy, cung cách làm việc, phải có yêu cầu áp lực từ trên xuống và áp lực từ ngoài vào.

Họ (công chức thừa hành - PV) luôn nói là làm đúng quy định, nhưng giá như họ có trách nhiệm hơn, có sự thông cảm hơn với doanh nghiệp thì mọi công việc sẽ được giải quyết ổn thỏa, nhanh chóng hơn. Vấn đề vẫn nằm ở thái độ và cách thức làm việc của 1 bộ phận công chức hiện nay. Tuy nhiên, nếu đòi hỏi sự thay đổi ở từng công chức sẽ rất khó, nhưng nếu những người đứng đầu như Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Giám đốc các sở, ban ngành cùng thay đổi, cùng vào cuộc với Thủ tướng thì cả bộ máy sẽ thay đổi theo đúng với tinh thần, mong muốn của Chính phủ là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, TGĐ Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho rằng, năm 2016, tại cuộc họp với doanh nghiệp lần đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đã tạo ra sự chuyển động trong các ban, ngành địa phương trong việc giải quyết các thủ tục, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nhận thấy rằng, ở trên thực hiện quyết liệt nhưng ở cấp dưới, có một bộ phận công chức chưa "chuyển động" theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chúng tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là giải quyết các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dừng lại ở việc xúc tiến đầu tư, không chỉ gặp gỡ doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong rằng cả bộ máy phải chuyển động đồng bộ, các địa phương nên có tổ công tác để đánh giá những vướng mắc của doanh nghiệp để xem xét quá trình giải quyết có gì chậm và chậm vì lý do gì để có sự tháo gỡ. Đặc biệt đối với những công chức vô cảm, chậm trễ hoặc vận dụng pháp luật, quy định theo hướng gây khó khăn cho doanh nghiệp thì chúng ta phải chỉ mặt, chỉ tên thì mới có thể thay đổi được”, ông Tỉnh nói. 

Minh Khuê

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu