23:20 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lễ tế Đức thánh tổ nghề thợ rèn ở Hà Tĩnh

| 21:45 28/01/2023

(THPL) - Sáng nay ngày 28/01/2023 ( tức ngày 07 Tết Quý Mão), tại Khu Quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn, UBND thi xã Hồng Lĩnh và UBND Phường Trung Lương đã long trọng tổ chức Lễ tế Đức thánh tổ nghề thợ rèn. Đây là dịp để những người làm nghề rèn, đúc dâng lễ vật, thắp hương tưởng nhớ Đức thánh tổ nghề thợ rèn.

Cổng Tam quan cụm quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn ( Làng rèn Vân Chàng, Hà Tĩnh).Ảnh: Trần Dũng.

Ông Võ Thanh Định Bí Thư Đảng Ủy Phường Trung Lương gióng trống khai lễ. Ảnh: Trần Dũng

Nơi cội nguồn truyền thuyết ông tổ nghề  

Ông tổ nghề rèn ở Hà Tĩnh tương truyền xuất thân từ làng Trung Lương, nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh.

Theo truyền thuyết, tổ sư nghề rèn là ông Đùng. Còn theo thần tích phả hệ của làng, thì nghề rèn ở đây có từ đời Lý, khi mới lập làng. 

Ông Đùng ở trên dãy Ngàn Hống thấy dân gian không có đồ dùng để sản xuất, bèn moi đất lấy sắt lên, nhổ cây rừng đốt than, rèn dao, cuốc, phân phát cho mọi nhà. Các bậc ông già, bà lão trong làng đến xin cho con cháu theo học nghề, ông Đùng vui lòng truyền dạy.  Về sau, để nhớ công ơn ông Đùng, nhân dân đã dựng đền thờ ông trên núi Tiên Sơn. 

Ông Nguyễn Công Lộc, Chủ Tịch UBND Phường Trung Lương cùng các vị bô lão trong làng thực hành Lễ tế, dâng hương tri ân cảm tạ công đức và cầu nguyện trước tượng Lục vị thánh tổ .Ảnh: Trần Dũng 

Đến đời vua Trần Nhân Tông (1279-1293) , những thợ rèn tay nghề giỏi được nhà vua chiêu mộ phục vụ cho triều đình nên đã tuyển những người thợ này tập trung về Phủ Thiên Trường (Giao Thủy, Nam Định) nên nghề rèn đã được du nhập vào Phủ Thiên Trường, lập nên làng rèn Vân Chàng (nay thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Khi đó làng rèn Vân Chàng có 15 cụ tổ thuộc 15 dòng họ gồm Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô... được sáu ông thầy từ nơi khác đến truyền dạy. Để ghi nhớ công lao, quê hương Vân Chàng đã tôn sáu ông thầy dạy nghề là Lục vị Thánh sư, lập đền thờ làm Thành hoàng của làng

Thời xa xưa, Vân Chàng chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn điệu mang tính thủ công như dao, kéo, bản lề, đinh, ốc vít, bếp kiềng, cuốc xẻng, răng cào... Mấy chục năm trở lại đây, làng nghề rèn Vân Chàng từng bước phát triển. Nhờ phát triển áp dụng cơ giới hóa với đầu tư kỹ nghệ tinh xảo, mẫu mã đẹp đạt độ bền cao trong sử dụng, nhất là các phụ tùng xe đạp. Chính nhờ những mặt hàng này, hơn chục năm trước, hai hợp tác xã Tân Tiến và Tiền Tiến của địa phương trở thành đơn vị tiên tiến xuất sắc trong ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Đến nay, ở làng rèn Vân chàng (phường Trung Lương ngày nay) có 110 hộ rèn truyền thống cổ, đúc gang thép,giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, sản phẩm rèn, đúc đã đứng vững và chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh và sang nước bạn Lào. Tổng thu nhập từ nghề rèn đúc truyền thống của Trung Lương hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng.

Hàng năm cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng Âm lịch, nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức Lễ tế Đức tổ thánh thợ rèn nhằm giáo dục các thế hệ trẻ nhớ đến người đã có công truyền dạy nghề và biết giữ gìn, phát triển nghề rèn, đúc truyền thống quý báu hàng ngàn năm nay, đồng thời đây cũng là dịp để gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất nghề rèn truyền thống của cha ông.

Ở làng rèn Trung Lương còn có quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn, nơi hội tụ chuỗi hạng mục thờ, đền Tiên, chùa Tiên, đền thờ Thánh Mẫu, đền thờ bà Chúa Kho và đền thờ Lục vị Thánh tổ nghề, trong đó có Tổ sư nghề rèn. Một vùng sơn thủy hữu tình, thế núi, hình sông “Ngọa sơn Bạch hổ Càn long”, lưu giữ nhiều ý niệm văn hóa, hiếm nơi nào có được.

Gắn với quần thể di tích lịch sử, văn hóa Tiên Sơn có rất nhiều câu chuyện truyền ngôn lẫn chính sử. Đó là ngọn núi Tiên Sơn, tương truyền nơi đây xưa kia vốn là chốn thanh bình, tĩnh lặng, những lúc trăng thanh gió mát, các già tiên râu tóc bạc phơ giáng trần để cùng thưởng trà, đánh cờ và đàm đạo. Nơi đây được xây dựng khá bề thế, thu hút đông đảo phật tử đến hương khói, lễ bái. Cạnh chùa Tiên Sơn là đền thờ Bà Chúa Kho. Truyền rằng, Bà Chúa Kho là người giúp dân trồng lúa nước để có cuộc sống ấm no, tài lộc và chăm lo ngân khố, quân lương cho triều đình đánh giặc giữ nước. Đây là đền thờ Bà Chúa Kho duy nhất của dãy đất miền Trung.

Cùng với các hạng mục quan trọng trong quần thể di tích, nơi đây còn có đền thờ Thánh Mẫu trong sinh hoạt tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt và hệ thống cổng Tam quan, giếng Tiên cổ kính,với tổ hợp kiến trúc văn hóa nghệ thuật liên hoàn nhiều hạng mục cổ kính, hài hòa, linh thiêng, huyền bí. Chứa đựng giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động mọi nguồn lực trùng tu, tôn tạo di tích, trở thành điểm đến tham quan, du lịch văn hóa tâm linh rất ý nghĩa của đông đảo người dân và du khách thập phương. 

Đại lễ hội Tiên Sơn với nhiều nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, nhất là nghi lễ chầu văn, hầu đồng…được duy trì tổ chức. Qua đó vừa góp phần gìn giữ giá trị, nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, vừa là nơi để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết giữa các địa phương, vùng miền. 

 

Sắc phong vua ban ôn thần, niên hiệu Khải Định 9 (1924). Ảnh: Trần Dũng

 

Năm 2012, cụm di tích Tiên Sơn được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2013, nơi đây được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam chọn làm điểm bảo tồn nghi lễ chầu văn của người Việt. Năm 2015, di tích Tiên Sơn vinh dự đón bằng bảo trợ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và  UNESCO thế giới. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Phó chủ tịch UBND Phường Trung Lương cho biết: Chúng tôi đã lập đề án lộ trình, xác định rõ kế hoạch xây dựng các hạng mục công trình kiến trúc tại di tích giai đoạn 2020-2030 gồm: Xây dựng mới chùa Tiên Sơn; xây dựng tháp chuông trên núi Tiên; Sẽ tổ chức Liên hoan Festival nghi lễ chầu văn 3 miền Bắc - Trung - Nam; Xây mới đền Lục vị Thánh tổ nghề và mua sắm thêm đồ tế khí, cơ sở vật chất phục vụ hiệp thương nâng tầm lễ hội quy mô cấp Quốc gia.

 Ông Võ Thanh Định Bí thư Đảng ủy phường Trung lương cho biết: Di tích tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc và lưu giữ những giá trị văn hoá tín ngưỡng dân gian độc đáo. Địa phương thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, làm tốt công tác quản lý Nhà nước, công tác xã hội hóa huy động nguồn để tiếp tục tu bổ, tôn tạo các hạng mục bị xuống cấp nhằm đáp ứng với nguyện vọng thiết thực của các tầng lớp Nhân dân và du khách gần xa.  Qua đó nhân lên niềm tin, niềm tự hào để các thế hệ tiếp tục gìn giữ bảo tồn và phát nguyện công đức, xứng tầm điểm du lịch sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là điểm đến rộng lớn đúng nghĩa với du khách du lịch văn hóa dân gian và tín ngưỡng văn hóa  tâm linh. Nơi đây hội tụ tất cả những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng “Địa linh nhân kiệt” và ngôi làng ấy đã được đi sâu vào lịch sử ghi danh lưu truyền, cho đến ngày nay, gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của di tích, trong đời sống cộng đồng xã hội .

 

Ngược dòng lịch sử "làng rèn Vân Chàng"

Theo các sách: Thần tích Việt Nam, Lệ làng việt Nam, Nghề và làng nghề truyền thống ở Nam Định, Địa chí Nam Định, Văn hóa Nam Trực - cội nguồn và di sản cùng Thần phả đình làng Vân Chàng và thơ ca truyền miệng: Vào năm Thiệu Phong thứ nhất đời vua Trần Dụ Tông (1344) có sáu ông là: Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu, Nguyễn Nga, Nguyễn Thận, Đỗ Bào là những người thợ rèn giỏi ở làng Hoa Chàng, tổng Trung Lương, phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh) thường mang hàng nông cụ và các đồ dùng gia dụng ra Bắc bán. Khi đến vùng đất Tây Chân, phủ Thiên Trường (nay là thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), thấy phong cảnh hữu tình, đất đai phì nhiêu màu mỡ, các ông liền dừng chân ở lại sinh sống. Tại đây, các ông đã chiêu mộ thêm dân, xây dựng trại ấp, dạy dân trồng lúa và mở lò rèn chế tạo công cụ sản xuất nông nghiệp. Nhân dân địa phương và các nơi khác đến học nghề rất đông, từ đó dần phát triển thành làng rèn. Thần phả đình làng Vân Chàng cho biết, sáu vị tổ nghề đã cùng 15 vị tổ thuộc các dòng họ: Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô... chiêu mộ nhân dân khai phá đồng ruộng, phát triển sản xuất và mở mang nghề nghiệp.

Đình làng rèn Vân Chàng ở xã Nam Giang, huyện Nam Trực Tỉnh Nam Định (Thiên Công Kỳ Đại) là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa thờ Lục vị Thánh tổ nghề rèn. Ảnh: Trần Dũng

Năm Quý Sửu (1373), đời vua Trần Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh 2, sau khi truyền dạy nghề cho người dân nơi đây, sáu vị tổ lại trở về quê cũ làng rèn Hoa Chàng (Hà Tĩnh) tiếp tục truyền dạy nghề rèn. Để tri ân công đức của các ông tổ nghề, nhân dân địa phương đã đặt tên làng là Hoa Chàng - quê gốc của các vị Tổ sư (đến thời Nguyễn đổi thành làng rèn Vân Chàng); lập đền thờ tôn làm: Phúc thần - Lục vị Tổ sư - Đương cảnh Thành hoàng và lấy ngày 15 tháng 11 âm lịch là ngày sáu vị Tổ sư từ làng Vân Chàng trở về quê cũ làm ngày chính kỵ.

Trong dân gian còn lưu truyền bài thơ nói về quá trình hình thành làng rèn Vân Chàng và nguồn gốc nghề rèn như sau:

“Đời vua Dụ Tông thứ tư

Phủ tên Đức Thọ, tổng thì Trung Lương

Quê hương xã hiệu Hoa Chàng

Sáu ông buôn bán giữa đàng dở dang

Vốn lời không đủ hồi nhang

Ngụ cư tính kế mở mang đất bồi…

Nghề rèn vốn sẵn trong tay                

Mở lò đắp bễ lại bày cho dân

Cuốc cày dao dựa làm dần

Đúc đồng, nung thép chuyên cần dạy dân

Ba mươi năm lẻ đã qua

Nhớ quê các cụ lại ra thuyền về”

Hiện tại, làng rèn Vân Chàng còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924) khẳng định công lao “Hộ quốc”, “Tý dân” và gia tặng Lục vị Tổ sư là: Dực bảo trung hưng linh phù Vân Sơn Thánh tổ. Năm 1991 được cụ Đoàn Bường từ Vân Chàng (Nam Định) vào làng rèn Vân Chàng (Hà Tĩnh) xin rước các đạo sắc ra để bảo lưu tại đình Làng .

Hiện ngôi đình của làng còn lưu giữ nhiều câu đối ca ngợi công lao và sự nghiệp của Lục vị tổ sư. Tiêu biểu nhất là câu đối treo tại gian giữa tòa tiền đường có nội dung:

“Vạn vật khúc thành thông biến nghi dân chi tổ

Bách thế bất sĩ khai vật thành vụ chi sư”.

(Tạo thành vạn vật, thông suốt biến hóa làm tổ của dân

Trăm đời trông cậy, rèn đúc vật dụng, thành thầy dạy nghề).

Đình làng rèn Vân Chàng ở xã Nam Giang huyện Nam Trực Tỉnh Nam Định nơi lưu giữ các giá trị văn hóa thờ Khám,Ngai,Húy vỵ. Lục vị Thánh tổ truyền nghề rèn. Ảnh: Trần Dũng

Như vậy có thể nhận thấy, tín ngưỡng thờ Lục vị Tổ sư nghề rèn, của người dân làng rèn Vân Chàng nói riêng, thờ tổ nghề của của nhân dân ở nhiều làng quê nói chung là một trong những nét độc đáo của văn hoá Việt Nam. Đó là hình thức thờ cúng những người đã có công sáng tạo và trao truyền nghề cho nhân dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, đã thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” - một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Đình Vân Chàng không chỉ là nơi tri ân công đức của nhân dân với 6 vị tổ có công trao truyền nghề, mà còn là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh chung của cộng đồng qua các giai đoạn lịch sử. Nói như giáo sư Trần Quốc Vượng: “Nghiên cứu, tôn vinh các tổ nghề, chính là thể hiện đạo lý nặng nghĩa, nặng tình của dân tộc ta. Nhớ ơn và thờ cúng bách nghệ tổ sư là một nét bản sắc của văn hoá Việt Nam”. 

Lịch sử ghi nhận trong thời kỳ chống giặc Minh xâm lược, một nhóm thợ rèn Vân Chàng đã đến với nghĩa quân Lam Sơn dùng phương pháp rèn ra ống pháo lệnh bằng sắt. Loại pháo này là hiệu lệnh để nghĩa quân nhất tề vùng dậy tiêu diệt quân thù. Hiện nay, tại đình Vân Chàng vẫn còn lưu giữ được 2 pháo lệnh đúc bằng sắt. Trong dân gian địa phương vẫn còn lưu truyền hai câu thơ ca ngợi pháo lệnh Vân Chàng như sau:

“Pháo lệnh nhất thanh kinh lỗ Bắc,

Thư truyền liên tiếp tráng Nam quân”

(Một tiếng lệnh vang kinh giặc Bắc,

Liền tin thắng trận nức quân Nam) 

Dưới thời Nguyễn và thời Pháp thuộc, nghề rèn ở Vân Chàng có bước phát triển hơn. Trước cách mạng tháng 8 - 1945, làng rèn Vân Chàng tổ chức thành 4 giáp, mỗi giáp cử 3 người, gồm 12 người, gọi là 12 ông Trùm. Các ông Trùm có trách nhiệm phân phối than sắt cho các lò sản xuất, chăm lo việc lễ bái, gánh vác mọi việc công tư. Các làng trong tỉnh muốn có lò rèn về làm tại làng cho tiện việc mua nông cụ thì cử người mang trầu rượu đến lễ Tổ sư, gọi là lễ “xin thợ”, đồng thời cử người “đón thợ”. Với tay nghề độc đáo, thợ rèn Vân Chàng có kỹ thuật dùng sắt phế liệu, đem những mẩu sắt vụn, dao cùn, cuốc gãy... dùng hai mảnh to làm áo cho những mảnh vụn vào trong, gọi là “nác sắt”, cho “nác sắt” vào lò nung chảy đưa lên mặt đe rèn ra sắt phiến gọi là “ẩu sắt”. Thời Nguyễn, thợ rèn Vân Chàng đi lính, nhiều người được phong “Tượng mục”, có người được phong “Thủy bộ chư dinh Thủy mục” là người cầm đầu lính thợ sửa chữa vũ khí cho các doanh trại quân đội, bao gồm cả quân thủy và quân bộ. Khi giặc Pháp xâm lược Bắc kỳ, nhiều thợ Vân Chàng đứng trong hàng ngũ quân dân chống Pháp. Hơn 2.000 quân Cần Vương do Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi (1836 - 1886) chỉ huy đóng tại làng Giao Cù (Đồng Sơn, Nam Trực, Nam Định), tất cả vũ khí đều do thợ rèn Vân Chàng sản xuất.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nghề rèn ở Vân Chàng vẫn tồn tại và phát triển theo hướng phục vụ sản xuất và chiến đấu. Từ năm 1945, một bộ phận dân làng Vân Chàng di chuyển vào cư trú ở thành phố Hồ Chi Minh, đến nay có khoảng 500 hộ với hơn 3000 nhân khẩu vẫn chuyên nghề rèn. Tại đây, trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ, thanh niên Vân Chàng tham gia tòng quân, trong đó có 13 người quyết tử quân đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; nhiều người thợ giỏi chế tạo vũ khí, máy móc phục vụ chiến đấu. Hòa bình lập lại (1954) đánh dấu sự xuất hiện mô hình hợp tác xã. Làng Vân Chàng thành lập hợp tác xã cơ khí Tiền Tiến vào năm 1958, sau đó hợp nhất với hợp tác xã Quyết Tiến và Đồng Tiến phát triển thành hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Tiền Tiến vào năm 1961. Từ đây, nghề rèn Vân Chàng có bước phát triển vượt bậc, dần chuyển từ thủ công lên cơ khí, với nhiều sản phẩm phong phú đa dạng. Vành xe đạp hợp kim là một sản phẩm nổi tiếng của hợp tác Tiền Tiến, được nhân dân cả nước ưa dùng. Hợp tác xã Tiền Tiến đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Hai. Hiện nay trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:

“Ai ơi chớ lọ cầu kỳ,

Đi vành Tiền Tiến kém gì mê đan”

Từ sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đến nay, sản xuất trong làng rèn Vân Chàng ngày càng phát triển. Sự chuyên môn hóa trong sản xuất, với sự tác động của cơ khí hóa, điện khí hóa, quy mô sản xuất trong nghề rèn Vân Chàng ngày càng được mở rộng trên tất cả các mặt. Song song với những nghi thức tế lễ long trọng, hội làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc thu hút được đông đảo nhân dân cùng khách thập phương tham gia như: kéo co, chọi gà, cờ người…. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, làng rèn Vân Chàng- Nam Giang – Nam Định đã được xếp hạng di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2018.

 

tĐền Tiên,Cung Tam tòa Thánh mẫu,Lầu Cô ,Lầu Cậu Cung Tứ phủ Quan Hoàng trong tín ngưỡng thờ Tam,Tứ Phủ thờ mẫu của người Việt .Ảnh: Trần Dũng 

 

Thanh Huyền - Trần Dũng

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu