14:55 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước vượt mốc 500 tỷ USD

Tuấn Kiệt (t/h) | 13:56 20/10/2023

(THPL) - Tính từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt xấp xỉ 523 tỷ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư 22,54 tỷ USD.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1-15/10, xuất khẩu cả nước đạt 14,2 tỷ USD. Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có 4 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 10. Dẫn đầu là điện thoại và linh kiện với 2,55 tỷ USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 41,47 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may...

Lũy kế từ đầu năm đến 15/10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 272,74 tỷ USD, giảm hơn 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước vượt mốc 500 tỷ USD. Ảnh minh hoạ

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10 đạt 12,84 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 250,2 tỷ USD, giảm gần 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả xuất nhập khẩu đạt được trong nửa đầu tháng 10 đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến 15/10 đạt xấp xỉ 523 tỷ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư 22,54 tỷ USD.

Trước đó, Bộ Công thương từng nhận định, xuất khẩu những tháng tới có nhiều triển vọng. Việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu Việt Nam. Đức đang tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam nhiều hơn. Thêm một thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm là nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến. Với lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, sức mua tại thị trường quan trọng này sẽ dần phục hồi, nhất là nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2023,… là những yếu tố giúp cải thiện mức tiêu thụ hàng hóa Việt Nam.

Với mục tiêu tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đang tích cực triển khai các giải pháp, như: doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí, lệ phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng hình thức trực tuyến, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí. Tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan để cập nhật thông tin, nhu cầu, cũng như quy định mới của thị trường. Tiếp tục đàm phán và ký kết các FTA với các đối tác tiềm năng khác để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Năm 2022 vừa qua, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD) so với năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm trước; trị giá nhập khẩu là 358,9 tỷ USD, tăng 7,8%, tương ứng tăng 26,06 tỷ USD. Đây là mức xuất nhập khẩu kỷ lục từ trước đến nay.

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu