20:55 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng mạnh trong tháng 8/2023

Tú Chi (t/h) | 09:55 18/09/2023

(THPL) - Xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực và tiềm năng đã tăng mạnh trong tháng 8 vừa qua. Đặc biệt, mức tăng trưởng đến hai con số của xuất khẩu hạt điều ghi nhận ở các thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Ả rập Xê út.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 8/2023 tiếp tục đạt được mức cao kỷ lục mới 60,58 nghìn tấn, trị giá 333,83 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với tháng 7, tăng 29,2% về lượng và tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam luỹ kế 8 tháng đầu năm 2023 đạt gần 395,6 nghìn tấn, trị giá 2,28 tỷ USD, tăng 15,5% và 11,3% lần lượt về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm trước. Bình quân giá xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tháng 8/2023 đạt 5.510 USD/tấn, giảm 1% so với tháng 7 và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, bình quân giá xuất khẩu hạt điều của nước ta đạt 5.760 USD/tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng mạnh trong tháng 8/2023. Ảnh minh hoạ

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều sang các tất cả các thị trường trọng điểm đều tăng. Trong đó, mức tăng cao ghi nhận ở thị trường Trung Quốc, Đức, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ả rập Xê út so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của nước ta trong tháng 8 và 8 tháng 2023. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ trong tháng 8 đạt 14.810 tấn, tăng 45,1% về lượng và 33,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Xếp sau Mỹ là Trung Quốc khi xuất khẩu hạt điều sang quốc gia tỷ dẫn cũng vượt ngưỡng 10.000 tấn trong tháng 8, cụ thể là 10.598 tấn và kim ngạch đạt 60.220 USD, tăng 33,9% về lượng và 37,3% về trị giá so với cùng kỳ. Mặc dù xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất chỉ đạt 1.552 tấn trong tháng 8 nhưng so với cùng kỳ 2022 thì con số này đã tăng trưởng tới 162,2%.

Liên quan đến ngành điều, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, năm nay, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,1 tỷ USD. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, hiện ngành hàng này vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức. Đáng chú ý, các nhà máy phải lệ thuộc từ 50 - 60% nguyên liệu nhập khẩu. Để cải thiện vấn đề này, khâu then chốt là phải đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cao sản lượng, chất lượng cây điều Việt Nam.

Trước đó ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, hiện lượng nguyên liệu điều khá dồi dào, doanh nghiệp chế biến không có nhiều áp lực phải mua, trữ nguyên liệu so với mọi năm, phần lớn đã có đủ lượng hàng cần thiết cho sản xuất đến hết quý IV/2023 và quý I/2024.

Theo các doanh nghiệp ngành điều, do sức mua yếu ở các thị trường trọng điểm, các doanh nghiệp ngành điều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng mua hàng giao ngay với số lượng nhỏ là chủ đạo trên giai đoạn này, dẫn đến giá bán cũng khó giảm sâu, nhưng cũng khó có thể tăng giá đột biến như những giai đoạn trước đây.

Giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023 đến quý I/2024, tăng trưởng của ngành điều tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. VINACAS cũng xây dựng 2 kịch bản với ngành hàng này. Theo đó, với kịch bản “tốt”, doanh nghiệp bán hàng kích cầu, đẩy nhanh tiêu thụ sẽ giúp giảm lượng tồn kho tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, đồng thời đẩy nhu cầu mua hàng vào cuối năm. Tuy nhiên, việc tăng cường kiểm soát chất lượng của các thị trường trọng điểm sẽ làm cho nhân điều giá thấp, chất lượng kém sẽ khó tiếp cận các thị trường này.

Kịch bản “không tốt”, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, hạt điều không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu của “người tiêu dùng cuối cùng” sẽ tiếp tục giảm. Tuy vậy, thách thức lớn cho ngành điều hiện nay vẫn là vấn đề thu mua nguyên liệu. Đơn cử như “thủ phủ” vùng nguyên liệu điều là tỉnh Bình Phước hiện gần như không phát triển diện tích trồng điều mà còn bị thu hẹp do nông dân chặt, phá cây điều để chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu