Đề xuất giao Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân dưới 2.000MW
(THPL) - Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần làm rõ cơ sở, tác động và ảnh hưởng của phân cấp, phân quyền trong thực hiện các dự án năng lượng hạt nhân. "Chủ trương các dự án lớn sẽ do Quốc hội quyết định, còn dự án cụ thể (dưới 2.000MW) sẽ chủ động giao Chính phủ quyết định chủ trương".
Sáng ngày 14/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 44.

Theo chương trình, Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong thời gian 9 ngày, chia thành 02 đợt, đợt 1 (3,5 ngày): từ ngày 14/4 đến ngày 17/4 (nghỉ họp sáng ngày 16/4) và dự phòng từ 18 - 21/4/2025; đợt 2 (5,5 ngày): từ ngày 22 đến sáng ngày 28/4 để cho ý kiến, xem xét, quyết định 42 nhóm nội dung tại phiên họp, bao gồm: 24 nhóm nội dung về công tác lập hiến, lập pháp; 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác và 08 nội dung thuộc thẩm quyền; đồng thời, cho ý kiến, xem xét, quyết định bằng văn bản đối với 05 nhóm nội dung khác.
Tại phiên họp sáng nay 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã bám sát 4 chính sách được Chính phủ nhất trí.
Cụ thể, chính sách 1: Thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; chính sách 2: Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; chính sách 3: Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; chính sách 4: Quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Ảnh: báo Nhân dân
Dự thảo Luật gồm 12 chương, 73 điều (giảm 20 điều, tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008). Theo kế hoạch ban đầu thì dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến ở Kỳ họp thứ 9 và thông qua ở Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XV. Đến thời điểm này, nội dung của Dự án Luật có thể trình Quốc hội xem xét thông qua trong một kỳ họp.
Trong đó, về phân cấp, phân quyền, Tờ trình Dự án Luật đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ.
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật.
Về một số nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra nhất trí với sự cần thiết và nội dung thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên cho rằng, cần xem xét việc cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ, trong đó có cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ, bởi lo ngại về khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức.
Về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được Cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt thiết kế, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam; Chính phủ quy định cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định.

Trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách liên quan đến việc kiểm soát các chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ trong phế liệu và các nguồn khác nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để bảo đảm đầy đủ, khả thi.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần rà soát các quy định tại luật này đối với các luật đang sửa đổi, như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư… để có sự thống nhất về nguyên tắc áp dụng.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, tính khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng cần hoàn thiện kỹ lưỡng quy định về việc cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ, trong đó có cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ, bởi lo ngại về khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức. Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị có sự thống nhất về phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật.
.jpg)
Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề năng lượng hạt nhân là vấn đề mới, việc an toàn hạt nhân phải được đặt lên trên hết, trước hết, trong khi nước ta chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này.
Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần làm rõ cơ sở, tác động và ảnh hưởng của phân cấp, phân quyền trong thực hiện các dự án năng lượng hạt nhân. "Chủ trương các dự án lớn sẽ do Quốc hội quyết định, còn dự án cụ thể (dưới 2.000MW) sẽ chủ động giao Chính phủ quyết định chủ trương", Phó Thủ tướng nói và cho rằng, dự án Luật cần được thông qua sớm để có cơ sở khẩn trương triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Chiều 14/4, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (thay thế Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030).
Minh Anh
Tin khác
Ngân hàng Phương Đông tiếp tục nằm trong Top Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam
Thủ tướng chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung ứng điện
Vinmec được công nhận là Trung tâm xuất sắc về Dị ứng - Miễn dịch nhờ góp phần chuẩn hóa và nâng cao năng lực toàn ngành
Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026
Khoảng 170.000 tỷ đồng chi cho cán bộ thôi việc khi tinh gọn bộ máy
Cục Quản lý Dược yêu cầu tăng cường kiểm tra kinh doanh mỹ phẩm trên TikTok, Zalo
Bộ Công an sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo trên truyền thông
(THPL) - Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo, kiểm duyệt nội dung...23/04/2025 15:45:55Dự báo giá xăng tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày mai 24/4
(THPL) - Dựa vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới, một số doanh nghiệp nhận định, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày...23/04/2025 15:33:07Triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trước ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5
(THPL) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã quyết định triển khai chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH của tháng 5/2025 sớm hơn thông lệ cho hơn...23/04/2025 14:33:35Nhiều mẫu ô tô Trung Quốc vừa ra mắt tại Việt Nam đã đồng loạt giảm giá
(THPL) - Thị trường ô tô Việt Nam đầu năm 2025 chứng kiến làn sóng xe Trung Quốc gia nhập ngày càng mạnh mẽ, với sự xuất hiện của các...23/04/2025 13:45:39