Thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc liên tục khởi sắc
(THPL) - Trong quý I/2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.
Năm 2025 là một năm rất đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khi hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025) và là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”.

Những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm sáng trong tổng thể quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược” giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc liên tục khởi sắc
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 205,2 tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục về thương mại hai chiều, tăng thêm 33,3 tỷ USD so với năm 2023. Với kết quả này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đầu tiên mà nước ta thiết lập quy mô trên 200 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều mặt hàng chủ lực như nông sản (gạo, cà phê, hạt điều, trái cây...), thủy sản, linh kiện điện tử, dệt may, cao su và dầu thô. Đặc biệt, nông sản Việt Nam có lợi thế lớn tại thị trường Trung Quốc nhờ vào sự gần gũi về địa lý và nhu cầu tiêu dùng cao. Sản phẩm như sầu riêng, thanh long, xoài, chanh leo đã có chỗ đứng vững chắc và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng như máy móc, thiết bị công nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng và linh kiện điện tử. Sự đa dạng trong cơ cấu hàng hóa giữa hai nước giúp tận dụng được lợi thế so sánh của mỗi bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê - Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD (tăng 17,46% so với cùng kỳ). Trong đó, kim, ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 13,2 tỷ USD, tăng 0,2%; nhập khẩu đạt 38,1 tỷ USD, tăng 24,7%.
Bộ Công Thương thúc đẩy thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Cụ thể, ngày 12/3, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương phối hợp Sở Thương mại Quảng Tây tổ chức Hội nghị Hợp tác logistics đường sắt Việt Nam – Trung Quốc.
Hội nghị Hợp tác logistics đường sắt Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy khai thác tuyến vận tải container đường sắt quốc tế Việt Nam - Trung Quốc được ký kết vào tháng 12/2024 giữa Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam) và Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là kết quả của nỗ lực hợp tác bền chặt giữa hai bên, đồng thời thể hiện quyết tâm chung trong việc phát triển vận tải đường sắt xuyên biên giới, nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy thương mại song phương.
Ngay sau đó, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2025, ngày 11/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ủy ban Thương mại TP.Trùng Khánh (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc (Trùng Khánh). Sự kiện có sự tham gia của 50 doanh nghiệp Việt Nam và hơn 20 doanh nghiệp đến từ Trùng Khánh.

Tiếp đến, tại sự kiện "Gặp gỡ 2025: Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc: Cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư" ngày 14/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã bày tỏ kỳ vọng kim ngạch thương mại giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Việt Nam tăng từ 3 tỷ USD lên 5 tỷ USD trong năm 2025 nhờ áp dụng cửa khẩu thông minh.
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, phải tạo được bước chuyển lớn về hợp tác kinh tế - thương mại thông qua đẩy mạnh hợp tác ở cấp địa phương giữa tỉnh Vân Nam và Lào Cai cùng các địa phương Việt Nam; tăng cường phát triển, kết nối hạ tầng giao thông, tiêu biểu là dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Vân Nam), kết nối ray giữa ga Lào Cai - ga Hà Khẩu Bắc; mở rộng hợp tác du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, đi lại của người dân hai bên...
Trước đó, tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2025, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lớn nhất của Việt Nam.
Việt Nam còn nhiều cơ hội và tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, những năm qua, quan hệ hợp tác, kinh tế, thương mại hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã và đang được củng cố thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới hoặc thông qua các khung khổ hợp tác mà hai bên cùng là thành viên.

Việt Nam còn nhiều cơ hội và tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Ảnh: Internet
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 17 FTA, đưa nước ta trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn (200% GDP), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường. Trong khi đó, Trung Quốc đang tham gia 24 FTA, trong đó có 16 FTA đã được ký kết và thực hiện.
Không những vậy, năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và năm 2020, hai nước cũng đồng thời tham gia ký kết và đang thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai FTA trên cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN - Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, cơ hội và tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là rất lớn bởi, trước hết, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ của hai nước ngày càng được thắt chặt và củng cố, tạo tiền đề thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển;
Thứ hai, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước là rất lớn; Thứ ba, nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản có thế mạnh, có giá trị cao của Việt Nam như: Sầu riêng (bao gồm cả sản phẩm tươi và đông lạnh), tổ yến, dừa tươi... đã được phía Trung Quốc mở cửa thị trường trong thời gian gần đây cho phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc;
Thứ tư, do đặc thù về vị trí địa lý nên hợp tác trong lĩnh vực logistics giữa hai nước rất đa dạng, hiệu quả góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường Trung Quốc; Thứ năm, thị trường Trung Quốc có quy mô dân số lớn, nhu cầu hàng hóa đa dạng, vì vậy có nhiều dư địa để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và khai thác.
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khuyến cáo, doanh nghiệp, ngành hàng cần tận dụng tối đa những thỏa thuận, những khuôn khổ hợp tác mà hai bên cùng tham gia. Không chỉ vậy, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nâng cấp mình hơn, tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, việc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác với các địa phương Trung Quốc là phương hướng hợp tác mới, thiết thực và hiệu quả mà Bộ Công Thương đang là một trong những đơn vị đi đầu. Mô hình hợp tác này cần được nhân rộng không chỉ trong các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương mà còn ở nhiều bộ, ngành khác để nâng tầm hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Minh Anh
Tin khác
Các doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng hàng hóa dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Triệt phá xưởng sản xuất bột canh, mì chính, dầu ăn giả tại Phú Thọ
Thủ đoạn mới của các doanh nghiệp sản xuất sữa giả, thuốc giả
Thời tiết ngày 27/4: Miền Bắc mưa to diện rộng, cảnh báo lốc, sét
Hàng vạn người dân tham dự lễ khai mạc du lịch biển Sầm Sơn 2025
Tọa đàm kết nối, khám phá du lịch xứ Thanh
Kiểm soát thị trường vàng: Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho giao dịch vàng, hạn chế đầu cơ, làm giá
(THPL) - Nhận định về thị trường vàng, TS Lê Ngọc Dũng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ...26/04/2025 16:52:00Động thổ Dự án Khu dịch vụ thương mại và cáp treo tại Triệu Sơn, Thanh Hóa
(TH&PL) - Vào sáng 26/4, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ động thổ Dự án Khu dịch vụ thương mại và cáp treo thuộc...26/04/2025 15:31:53Đại hội đồng cổ đông MB: Kỷ lục được lập, hơn 2.500 cổ đông tham dự nhận 500.000 đồng
(THPL) - Một điểm đáng chú ý tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, MB đã dành tặng mỗi cổ đông tham dự trực tiếp một phần...26/04/2025 15:21:21Tuyển sinh lớp 1, 6 ở Hà Nội không thay đổi vì sáp nhập
(THPL) - Hà Nội sẽ giữ nguyên phương án phân tuyến học sinh vào lớp 1 và lớp 6 như đã công bố, bất chấp việc nhiều xã, phường sáp nhập và...26/04/2025 15:13:41