03:17 ngày 07/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch khẩu gạo của Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD trong 4 tháng

16:46 08/05/2022

(THPL) - Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 550 nghìn tấn gạo với giá trị đạt 273 triệu USD, đưa tổng khối lượng trong 4 tháng đầu năm đạt 2,05 triệu tấn với giá trị 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, dù giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so các với các nước. Đơn cử như gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4 ở mức 410 - 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361 - 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước. Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4, giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3.

Hiện Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 42,6% thị phần. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (76% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo báo VTV News, tại thị trường trong nước, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng nhẹ trong bối cảnh giao dịch trầm lắng. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 ở mức 5.500 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg so với trung bình tháng 3); gạo thường ở mức 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng/kg, ổn định so với tháng trước.

Tại Kiên Giang, giá lúa IR50404 ở mức 6.500 – 6.600 đồng/kg (tăng 650 đồng/kg), lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg, (tăng 300 đồng/kg).

Hiện toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 80 – 90% diện tích lúa Đông Xuân 2022, nhiều địa phương đã thu hoạch xong và xuống giống vụ Hè Thu. Tuy nhiên vụ Hè Thu năm nay người dân canh tác ít hơn do chi phí sản xuất tăng cao.

Kim ngạch khẩu gạo của Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD trong 4 tháng. Ảnh minh họa

Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, theo nhận định của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.

Còn theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, gạo Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường ASEAN. Theo đó, ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân. Người dân ASEAN có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam.

Do đó, các chuyên gia đánh giá dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn; trong đó có mặt hàng gạo. Những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN.

Báo VietNamNet đưa tin, cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn.

“Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang ASEAN, ngành gạo nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm… để có kế hoạch kinh doanh, xúc tiến thương mại và xuất khẩu hiệu quả nhất,” bà Nguyễn Thu Thủy lưu ý.

Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tận dụng tối đa các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, nhất là những lợi thế của các FTA giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Tú Chi (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu