01:17 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu gạo tăng mạnh trong tháng đầu năm 2022

17:46 15/02/2022

(THPL) - Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 1/2022 đã bật tăng mạnh 45,4% về lượng, tăng 28,2% về trị giá so với tháng 1/2021, đạt lần lượt 505.741 tấn và 246 triệu USD.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng lúa năm 2021 đạt 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với 2020, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 526,8 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, theo báo Thanh niên, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Ngay sau tết công ty đã xuất hàng đi 5 quốc gia. Tuy số lượng không lớn nhưng là một khởi đầu may mắn vì xuất toàn gạo thơm, gạo chất lượng cao và giá xuất từ 600 - 1.000 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp, dù đại dịch COVID-19 vẫn còn tuy nhiên tư duy chống dịch đã thay đổi nhiều. Hầu hết các nước đã mở cửa hoàn toàn cho các hoạt động tự do thương mại. Những nước sau một thời gian chống dịch cực đoan sẽ mở cửa trở lại và tăng nhập khẩu để đảm bảo tiêu dùng cũng như dự trữ quốc gia. 

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cũng có chung những dự báo lạc quan cho ngành lúa gạo dù ở thời điểm hiện tại nhiều khách hàng chưa vội ký hợp đồng mà vẫn chờ khoảng 2 tuần nữa để được giá tốt hơn sau khi người dân thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tuy nhiên, năm nay chi phí đầu vào, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng mạnh nên giá thành sản xuất lúa rất cao, lợi nhuận của nông dân khá “mỏng”. “Trên thị trường thế giới, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang là 393 USD/tấn, chỉ thấp hơn Thái Lan 8 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn gạo Ấn Độ 55 USD/tấn và Pakistan 45 USD/tấn. Điều này cho thấy giá cả và chất lượng gạo Việt Nam đang được đánh giá cao”, ông Đôn so sánh.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh trong tháng đầu năm 2022. Ảnh minh họa

Theo tạp chí TCDN, Philippines vẫn dẫn đầu về tiêu thụ các loại gạo của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng trị giá xuất khẩu gạo của cả nước, với 234.050 tấn, tương đương 110,21 triệu USD, giá trung bình 470,9 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 46,6% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với tháng 12/2021.

Bờ biển Ngà đã vượt qua thị trường Trung Quốc lên đứng thứ 2 về trị giá, với sản lượng đạt  56.675 tấn, tương đương 23,38 triệu USD, giá trung bình 391,9 USD/tấn, tăng rất mạnh 424% về lượng, tăng 252,5% về trị giá so với cùng kỳ.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng trị giá xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 37.006 tấn, tương đương 18,99 triệu USD, giá 513 USD/tấn. So với tháng 1/2021 thì giảm cả về khối lượng, trị giá và giá xuất khẩu với mức giảm tương ứng 36%, 37% và 1,5%...

Ngoài các thị trường truyền thống, gạo thơm và gạo chất lượng cao của Việt Nam những năm gần đây còn xâm nhập và dần chiếm lĩnh các thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… Điển hình như thị trường EU, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu năm 2021 tăng 9,3% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo Việt Nam cũng có mức tăng mạnh nhất so với các nguồn cung khác, tới 20% và đạt trung bình 781 USD/tấn. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định: Năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường này. Theo cam kết trên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn hằng năm. Hiệp định EVFTA đang tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho gạo Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh lớn vẫn chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu