02:13 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai: Quyết liệt với công tác giữ rừng

08:54 12/04/2022

(THPL) - Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng miền Đông Nam bộ, có nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố công khai “đóng cửa rừng”. Bởi, đây là tài sản sinh thái cực kỳ quý giá của quốc gia, là “lá phổi xanh” của miền Đông Nam bộ... Vì vậy, nên khi tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng đường tỉnh 753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối với tỉnh Đồng Nai. Khu bảo tồn đã đánh giá việc xây dựng cầu Mã Đà trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp.

Quyết liệt bảo vệ rừng

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai hiện đang quản lý trên 67 ngàn ha rừng. Đây là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam và là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần được ưu tiên bảo tồn. Trong đó, có trên 1,4 ngàn loài thực vật, hơn 1,7 ngàn động vật hoang dã, đặc biệt là có rất nhiều loài quý hiếm, cần bảo tồn nghiêm ngặt. Vì vậy, ngoài việc bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên  - văn hóa Đồng Nai trong năm qua cũng đã làm rất tốt công tác bảo vệ môi trường.

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa của Việt Nam - một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Đồng Nai với tổng diện tích tự nhiên trên 100 ngàn ha, nằm trên địa bàn Huyện Vĩnh Cửu.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng Lực lượng Kiểm lâm Khu Bảo tồn thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng trên diện tích được giao quản lý, thường xuyên tổ chức truy quét nội bộ và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện truy quét liên ngành. Triển khai thực hiện kế hoạch quản lý các loài lâm sản ngoài gỗ trong mùa cao điểm trên địa bàn Khu Bảo tồn. Xác định khu vực tập trung các loài lâm sản ngoài gỗ. Thành lập các chốt gác, trực gác 24/24 giờ nhằm tuyên truyền, vận động, ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng lấy măng tre, lô ô, mum và các loại lâm sản khác.... Đồng thời phối hợp với chính quyền và các Hạt Kiểm lâm giáp ranh tổ chức truy quét tại các khu vực trọng điểm, điểm nóng.

 Lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai luôn nỗ lực để kiểm tra, bảo vệ từng tấc rừng
Bảo vệ từng gốc cây

Để phòng chống “giặc lửa” xâm chiếm những mảng rừng xanh quý giá đang được bảo tồn, gìn giữ, ngay từ đầu mùa khô năm 2020-2021, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã huy động toàn bộ lực lượng luân phiên canh trực, nỗ lực cả ngày lẫn đêm để phát huy hiệu quả cao nhất công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Mùa khô năm 2020-2021, khu bảo tồn đã phát dọn đường băng cản lửa với 508,36  ha.

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, người dân trong công tác tuyên truyền, tuần tra phòng chống cháy, bảo vệ rừng. Chính sự phối hợp thường xuyên, nhịp nhàng của trạm kiểm lâm và chính quyền, người dân mà trên địa bàn chưa xảy ra vụ cháy nào đe dọa đến rừng xanh.

Xây cầu Mã Đà - xẻ thịt rừng xanh ?

Tỉnh Bình Phước đã đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng đường tỉnh 753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối với tỉnh Đồng Nai. Theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước, cầu Mã Đà dự kiến có chiều rộng mặt cầu 11m, dài 90m, bắc qua sông Mã Đà. Công trình nằm trong dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 753. Công trình khi hoàn thành xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách từ tỉnh Bình Phước đi sân bay Long Thành hơn 60km so với hiện tại. Cũng theo đề xuất của tỉnh Bình Phước, sau khi xây cầu Mã Đà, tuyến đường tỉnh 753 sẽ kết nối với đường tỉnh 761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu bảo tồn đến quốc lộ 1A.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đề xuất làm tuyến đường đi xuyên vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới vào năm 2011 là “xẻ thịt” rừng xanh, cần phải tính toán kỹ lưỡng. 

 Theo ý kiến của Khu bảo tồn trong báo cáo về dự án Xây dựng cầu trên tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang (tỉnh Đồng Nai) và Đồng Xoài - Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) của Khu bảo tồn gửi UBND tỉnh vào tháng 1/2022, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ tạo ra tuyến đường gần 40km đi xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng do Khu bảo tồn đang quản lý.

Chưa kể, việc người dân tự ý lưu thông trên đường rừng sẽ gây khó khăn về phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Trên địa bàn do Khu bảo tồn quản lý có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia nên việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng.

Theo đánh giá của Khu bảo tồn, việc xây dựng cầu Mã Đà trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với đề án Bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Khu bảo tồn đã được UBND tỉnh phê duyệt vào các năm 2016 và 2021. Với những đánh giá như trên, Khu bảo tồn cho rằng, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ đi ngược lại định hướng chung bảo vệ Khu bảo tồn là hạn chế dân cư lưu thông xuyên qua rừng nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngọc Thạch

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu