18:57 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hai doanh nhân Việt vừa lọt danh sách tỷ phú Forbes là ai?

11:15 06/03/2019

(THPL) - Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang vừa trở thành tỷ phú với khối tài sản liên quan đến Masan và Techcombank.

Tạp chí Forbes ngày 5/3 đã chính thức công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2019, trong đó, Việt Nam có 5 đại diện góp mặt. Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup vẫn tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản đạt 6,6 tỷ USD, xếp thứ 239 thế giới.

 

5 tỷ phú Việt được Forbes vinh danh. Ảnh VNE

Đây là năm thứ 7 liên tiếp ông Phạm Nhật Vượng có tên trong danh sách này của Forbes. Vị thứ của ông Vượng cải thiện nhanh chóng nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu VIC. Hồi năm ngoái, khối tài sản của ông chủ Vingroup đạt 4,3 tỷ USD, giàu thứ 499 thế giới.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng bay VietJet vẫn là người phụ nữ duy nhất của Việt Nam được Forbes xướng tên trong bảng xếp hạng giàu nhất thế giới. Với khối tài sản ròng đạt 2,3 tỷ USD, bà Thảo hiện đang xếp thứ 1.008 trong danh sách này.

Trong khi ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Trường Hải (Thaco) lần thứ 2 có mặt trong bảng xếp hạng của Forbes với 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1.349 thì ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hoà Phát chính thức rớt khỏi danh sách giàu nhất thế giới mặc dù theo thống kê theo thời gian thực (real time) thì tài sản của Long vẫn đang đạt 1 tỷ USD.

Về 2 tỷ phú mới có trong danh sách năm nay, Forbes cho biết cả 2 từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank. Cả 2 đều là tỷ phú tự thân có 3 con. Cả Masan và Techcombank đều là các định chế lớn tại Việt Nam, lọt top 10 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh với vốn hóa 100 ngàn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, từng học tập và sinh sống ở Đông Âu. Ông Quang bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây.

Sau một thời gian, ông Quang đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt. Đến năm 2002, nước tương Chin-su ra đời, cũng là thời điểm ông Quang đưa Masan trở về quê nhà.

Năm 2003 Masan tiếp tục cho ra mắt nước mắm Chin-su; năm 2007 chinh phục thị trường bằng sản phẩm Omachi. Năm 2015, Masan hợp tác với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan, đưa các sản phẩm của hãng vươn ra thị trường Đông Nam Á.

Ngoài việc giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc của Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang còn là Phó Chủ tịch HĐQT của Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, là thành viên HĐQT Techcombank từ 2004 - 2005, là Phó chủ tịch thứ nhất tại HĐQT Techcombank từ 2006 đến 2008. Từ tháng 5/2008 tới nay, ông Hùng Anh là Chủ tịch Techcombank.

Tại Masan, từ năm 1997, ông là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Masan, Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí Phó chủ tịch của CTCP Tập đoàn Masan cho đến tháng 4/2018 thì xin rút và chỉ tập trung vào Techcombank với vị trí Chủ tịch HĐQT.

Dưới thời ông Hùng Anh, Techcombank chọn hướng đi có phần riêng biệt hơn trong hệ thống ngân hàng. Nhà băng này không đi sâu vào những phân khúc "nóng" trên thị trường như vay tiêu dùng hay mô hình ngân hàng bán lẻ với mạng lưới rộng, thay vào đó là việc xây dựng hệ sinh thái gắn với những khách hàng lớn như Masan, Vietnam Airlines hay Vingroup và tập khách hàng có chọn lọc.

Đẩy mạnh hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phân khúc cho vay bất động sản gắn với những dự án lớn, ngân hàng này đạt được biên lợi nhuận cao hơn nhưng chịu rủi ro thấp hơn.

Techcombank nhanh chóng thay đổi cục diện ngành ngân hàng với vị thế là ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có lợi nhuận đứng thứ hai hệ thống trong năm 2018, chỉ sau Vietcombank.

Theo báo cáo quản trị ngân hàng này, ông Hùng Anh và người thân đang là một trong những cổ đông lớn nhất của Techcombank với sở hữu hơn 17%. Ngoài ra, Masan hiện cũng là một trong những cổ đông tổ chức lớn nhất với sở hữu gần 15% vốn của ngân hàng.

Nam Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu