06:50 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Tĩnh: Nhiều bất cập tại dự án Nạo vét Cửa Sót (Sông Nghèn) ở huyện Lộc Hà

10:48 22/02/2021

(THPL) - Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Chủ đầu tư (Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh) đã bỏ qua những tiêu chí quan trọng của gói thầu. Điều này đã tạo thuận lợi cho Liên danh nhà thầu Quê Hương và Thành Đô trúng thầu khi các biện pháp thi công, phương tiện - thiết bị thi công… không đảm bảo theo yêu cầu của dự án.

Đơn vị thi công sử dụng tàu hút phun không đáp ứng công suất để thực hiện dự án.

Dự án Nạo vét Cửa Sót (Sông Nghèn) được thành lập tại Quyết định số 2610/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 13/8/2020 V/v phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình Dự án Nạo vét Cửa Sót (Sông Nghèn), xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Công trình thuộc dự án nhóm C, công trình giao thông cấp IV. Nội dung, giải pháp thiết kế chủ yếu: Nạo vét các tuyến luồng neo đậu tàu thuyền trong khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền Cửa Sót đến Km2+500 cửa luồng chính gồm 4 tuyến. Dự án có bãi thải diện tích khoảng 6,7ha tại thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng theo Văn bản số 907/UBND-NL ngày 20/02/2020 của UBND tỉnh; Cát thải tập kết tại bãi thải được rắc vôi khử trùng và phủ đất chống cát bay.

Giá trị dự toán: 29.072.980.000 đồng; Chi phí xây dựng: 23.552.790.000 đồng; Chi phí quản lý: 531.437.000 đồng; Chi phí tư vấn ĐTXD: 1.775.105.000 đồng; Chi phí khác: 569.125.000 đồng; Chi phí dự phòng: 2.644.523.000 đồng. Dự án có nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh Hà Tĩnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Quê Hương (Số 02, ngõ 18 Vũ Thạnh, Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội - Mã số thuế 0301979773-002) và Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Thành Đô (Số 50, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh – Mã số thuế: 3001444162) trúng thầu.

Từ nguồn tin phản ánh từ một số đơn vị liên quan về những bất cập đang tồn tại ở dự án, Nhóm PV đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực tế. Kết quả, theo nội dung phản ánh và đối chiếu với hình ảnh cùng tài liệu, Dự án Nạo vét Cửa Sót (Sông Nghèn) đang có dấu hiệu gian lận trong đấu thầu và thi công.

Thứ nhất: Về phương tiện, thiết bị chính được sử dụng để thi công dự án theo yêu cầu của gói thầu theo Hồ sơ mời thầu phát hành ngày 21/08/2020 ban hành kèm theo Quyết định 1063/QĐ-BQLDA ngày 17/08/2020 gồm:

Thiết bị huy động để thực hiện dự án: 02 tàu hút phun có công suất ≥ 500Cv trở lên nhưng tại hiện trường thi công chỉ có 02 tàu hút lắp ráp có công suất nhỏ (theo phản ánh dưới 200Cv và chưa được kiểm định); 02 tàu kéo; 02 máy đào, 01 máy ủi, 03 ô tô tải. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, chỉ có 02 tàu hút phun có công suất dưới 200Cv đang hoạt động ì ạch, công suất hút phun không đáp ứng theo yêu cầu để thực hiện gói thầu.

Tại công trình, đơn vị thi công đưa tàu với máy hút phun không đảm bảo công suất, 02 tàu kéo không có, dẫn đến công trình chậm tiến độ bàn giao. Phải chăng chủ đầu tư bỏ qua năng lực của nhà thầu khi không đảm bảo được các thiết bị như yêu cầu nhưng vẫn chấm trúng thầu và cho thi công?!

Thứ 2: Hàng loạt các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa cả trên bờ và dưới nước để phục vụ thi công đều bị đơn vị thi công bỏ qua. Theo đó, trong quá trình thi công dự án các đơn vị không thực hiện các phương án đảm bảo an toàn giao thông nội địa do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đưa ra trong quá trình đi công dự án.

Theo văn bản số 2253/CĐTNĐ-VT-ATGT ngày 22/10/2020 gửi Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh đã thống nhất: Về biển báo, có báo hiệu trên bờ được bố trí tại thương lưu khu vực thi công với 6 cột (D160; H6,5m) và 6 biển báo hiệu 1,2mx1,2m để đảm bảo an toàn giao thông cho các tàu thuyền khi vào neo đậu tại đây. Dưới nước còn bố trí 4 phao dưới hạn luồng tàu chạy đồng bộ chỉ vị trí giới hạn luồng tàu chạy. Trong quá trình thi công các phao báo hiệu phải được được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế thi công các hạng mục công trình; Về trạm điều tiết khống chế giao thông đường thủy nội địa phải đảm bảo phương tiện đủ công suất cũng như nhân lực phải có nghiệp vụ.

Tuy nhiên, đến nay công trình đã thực hiện được khoảng 70% khối lượng (theo lời của đại diện nhà thầu Thành Đô) nhưng các phương án đảm bảo an toàn giao thông nội địa vẫn chưa được đơn vị thi công thực hiện. Mặc dù nơi thực hiện công trình là khu neo đậu tàu của cảng cá, mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào neo đâu, nguy cơ xảy ra tai nạn cho người và tàu thuyền là rất cao.

Thứ 3: Đổ hàng trăm nghìn mét khối cát thải sai quy định: Theo quan sát của Nhóm phóng viên, Liên danh 2 nhà thầu không những thi công không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, công suất không đáp ứng mà việc đổ thải của đơn vị cũng thực hiện sai so với thiết kế của UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Thiết kế bãi thải của công trình được tập kết ở thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh (cách công trường khoảng hơn 1Km) có diện tích 6,7ha với khối lượng khoảng 200.000m3 cát thải. Thực tế đơn vị thi công đang đổ thải tại thôn Trung Nghĩa ở xã Thạch Bằng (giáp với công trường thi công).

Liên danh 2 nhà thầu tổ chức đổ thải sai điểm quy định.

Theo một người dân có chuyên môn về nạo vét, việc đổ thải không đúng quy định tại dự án này bắt nguồn từ công suất của máy hút phun. Vì vị trí của bãi thải cách công trình hàng Km nên cần có máy hút phun có công suất lớn (từ 580Cv - 630Cv. Việc nhà thầu sử dụng máy hút phun công suất thấp nên việc tải cát chỉ đạt vài trăm mét...

Ông Trần Văn Khôi, đại diện nhà thầu Thành Đô khẳng định Công ty đổ cát thải đúng điểm quy định. Điểm đổ thải là thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng chứ không phải là thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng như theo các văn bản mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt và ban hành. Ông Khôi cũng cho rằng các văn bản đã bị lỗi đánh máy và có sự nhầm lẫn giữa hai thôn Phú Nghĩa và Trung Nghĩa. Tuy nhiên, theo tài liệu mà Nhóm PV có được, có tới 04 văn bản của UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh và của Ban QLDA đầu tư và xây dựng công trình NN&PT Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh chứng minh địa điểm đổ thải là thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà với khối lượng khoảng 200 nghìn mét khối. (Cụ thể là tại Văn bản số 1273/BQLDA-KHKT ngày 05/12/2019 của Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình Sở NN&PT Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh V/v xin chấp thuận vị trí chứa vật liệu nạo vét Dự án Nạo vét Cửa Sót; Đề xuất của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh tại Văn bản số 30/STNMT-KS ngày 04/01/2020; Quyết định số 907/UBND-NL ngày 20/02/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh V/v chấp thuận vị trí chứa vật liệu Dự án Nạo vét Cửa Sót…

Để tìm hiểu rõ hơn về dự án này, Nhóm phóng viên đã có cuộc làm việc với Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Khoa Thanh – Giám đốc quản lý dự án cho biết: Dự án nạo vét Cửa Sót (sông Nghèn), xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh do liên doanh Công ty Quê Hương- Thành Đô thi công, với tổng đầu tư hơn 29,5 tỷ đồng, bắt đầu thi công từ 24/9/2020 đến 31/12/2020 nhưng đến nay quá hợp đồng hơn 1 tháng nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành và hiện đang làm văn bản để xin gia hạn thêm hợp đồng.

Thắc mắc về những vấn đề đang tồn tại, ông Thanh cho rằng: “Trong lúc kiểm tra các phương án đảm bảo an toàn giao thông nội địa vẫn đảm bảo nhưng hiện tại dưới hiện trường thế nào thì Ban không nắm được”.

Mặc dù, tàu hút phun thi công tại công trình không đảm bảo công suất nhưng phải chăng ông Thanh vẫn cố bao biện tàu đơn vị thi công sử dụng đều được chấp thuận, đảm bảo công suất cũng như nằm trong thời hạn đăng ký đăng kiểm?!

Điều đáng nói công trình đã quá hạn hợp đồng nhưng Chủ đầu tư vẫn để cho nhà thầu thi công mà không đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh gia hạn hợp đồng. Và việc đơn vị đổ thải sai nơi quy định nhưng chủ đầu tư vẫn không có ý kiến, làm ngơ cho các nhà thầu tiếp tục thực hiện dự án?!

Đặc thù của luồng lạch là liên tục bị bồi lấp của cát bởi dòng chảy, thủy triều. Vì vậy, việc thực hiện nạo vét cần phải được trang bị phương tiện kỹ thuật đáp ứng được tiến độ thi công. Tại Dự án Nạo vét Cửa Sót (Sông Nghèn), việc nhà thầu sử dụng phương tiện máy móc không đảm bảo công suất dẫn đến việc hút phun không tải đến địa điểm đổ thải theo quy định; công suất hút phun bão hòa với sự bồi lấp của cát theo dòng chảy…Như vậy, quá trình nạo vét chẳng khác gì “dã tràng xe cát…”. Hậu quả của nó là chậm tiến độ, không hoàn thành dự án theo Hợp đồng đã được ký kết.

Bất cập này phải chăng bắt nguồn từ việc lựa chọn nhà thầu của Chủ đầu tư và năng lực của nhà thầu?!

Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu