03:41 ngày 17/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Dồn dập phá vỡ quy hoạch làng nghề?

10:03 11/07/2021

(THPL) - Sự phát triển nghề, các làng nghề phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ngoại thành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn kết với phát triển làng nghề chung của cả nước.

Với mục tiêu xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đồng bộ cụm làng nghề tập trung, phát triển khu sản xuất tập trung tách khỏi khu dân cư, tập hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội đã có những quy hoạch, định hướng phát triển làng nghề trên địa bàn toàn thành phố. Điều này không chỉ giúp tránh lãng phí quỹ đất, mà còn tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng nông thôn ngoại thành.

Không chỉ vậy, việc quy hoạch sẽ giúp phát triển thương hiệu của các làng nghề; xây dựng hạ tầng các làng nghề đảm bảo môi trường, phòng cháy chữa cháy…. Đồng thời, đó cũng là bài toán đi tìm giải pháp hoạt động kinh doanh, chính sách hiệu quả cho làng nghề. 

Rõ ràng, việc định hướng, quy hoạch làng nghề là hết sức cần thiết. Và rồi, câu chuyện đi tìm giải pháp, khai thác thế nào cho hiệu quả, thực trạng phát triển làng nghề hiện nay là một câu chuyện nan giải luôn được nhắc đến. Thế nhưng, bài toán nan giải đó có được giải, được áp dụng thực tiễn hay chỉ nằm trên giấy? Đó là câu hỏi được nhiều người ở Hà Nội đặt ra. Bởi lẽ, người dân có ý kiến rằng ở một số dự án quy hoạch làng nghề được xây dựng nhà cao tầng, không khác gì dự án bất động sản.

 Theo người dân, công trình này tại xã Tiền Phong, Thường Tín được xây dựng sai quy hoạch. (ảnh: người dân cung cấp)
Hay như công trình nhà ở này được xây dựng tại khu làng nghề Văn Tự, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. (ảnh: người dân cung cấp)

Theo một số người dân đã "điểm mặt" các dự án cụm làng nghề như tại xã Liên Hà và Liên Trung của huyện Đan Phượng; xã Văn Tự và xã Tiền Phong của huyện Thường Tín, tình trạng phá vỡ quy hoạch, "xé rào" tại các dự án để xây dựng nhà cao tầng diễn ra nhiều nhưng lại không được xử lý nghiêm, thể hiện sự buông lỏng quản lý.

Trao đổi với PV của Thương hiệu và Pháp luật, một lãnh đạo UBND xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội) xác nhận có việc dự án làng nghề trên địa bàn xây dựng nhà cao tầng để ở, không khác gì dự án bất động sản. Tuy nhiên, khi hỏi về trách nhiệm của địa phương thì vị lãnh đạo này nói rằng: “xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND huyện Thường Tín”. PV liên hệ với UBND huyện Thường Tín thì tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào.

Tại xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, Hà Nội) thì người đứng đầu chính quyền xã này cho hay: “dự án có quy hoạch và xây dựng đúng giấy phép của cơ quan có thẩm quyền”. Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Thái – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng cho biết: “Mời cả xã lên họp rồi. UBND huyện đã họp giao cho UBND xã, Phòng quản lý đô thị, Đội quản lý trật xây dựng huyện kiểm tra các công trình. Và đương nhiên các hộ vi phạm thì đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế rồi. Ban của chúng tôi không liên quan gì ở đây”.

 Các công trình kiên cố được xây dựng tại khu làng nghề xã Liên Hà, huyện Đan Phượng.
 Người dân cho hay, tại khu làng nghề xã Liên Trung được xây dựng công trình nhà cao tầng, nhưng lãnh đạo xã này cho rằng xây dựng đúng quy hoạch. 

Có thể thấy rằng, bài toán làng nghề là câu chuyện chưa có hồi kết, dù đã được “mổ xẻ” nhiều, giải pháp đưa ra không phải là ít. Cùng với đó, chính quyền TP. Hà Nội nhiều năm qua liên tiếp chọn chủ đề “Năm trật tự văn minh đô thị” để hành động. Nhờ đó, ngành xây dựng và các địa phương đã quyết liệt xử lý vi phạm để rồi đến nay đã hạn chế đáng kể vi phạm, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. 

Trả lời báo chí về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP, ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho hay: “Nhờ sự giám sát, chất vấn công khai và sự quan tâm ngày càng nhiều của người dân nên các cơ quan quản lý buộc phải có trách nhiệm hơn. Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đã ý thức tiếp thu phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Để có được như vậy là nhờ đơn thư, báo chí phản ánh và tuyên truyền nên người dân tiếp cận được với quy định nhiều hơn, qua đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời các sai phạm”. 

Thế nhưng, khi báo chí tiếp cận thông tin về quy hoạch, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Đan Phượng và Thường Tín thì rất khó. Phải chăng có sự mập mờ nào trong công tác quản lý quy hoạch và xử lý vi phạm hay không? Câu trả lời này chỉ có Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng và huyện Thường Tín mới biết được.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về nội dung này đến bạn đọc.

Minh Quang

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu