16:41 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Bắt giữ hơn 26.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023

Phương Anh (T/h) | 16:02 28/12/2023

(THPL) - Các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ, xử lý hành chính 26.535 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong năm 2023.

Trước đó ngày 26/12, đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có buổi làm việc với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về việc đôn đốc, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, công điện, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Tại buổi làm việc, đại diện Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ (tăng 1,01% so với cùng kỳ), xử lý hành chính 26.535 vụ vi phạm. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 3.229 vụ vi phạm về buôn lậu, 1.579 vụ vi phạm về hàng giả, 21.727 vụ vi phạm về gian lận thương mại.

Khởi tố 163 vụ (tăng 25,38% so với cùng kỳ) đối với 192 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 4.307 tỷ 744 triệu đồng (tăng 15,78% so với cùng kỳ). Trong đó, phạt hành chính 1.520 tỷ 298 triệu đồng (tăng 19,34% so với cùng kỳ), truy thu thuế 2.782 tỷ 581 triệu đồng (tăng 13,79% so với cùng kỳ). Tiền bán hàng thanh lý 4 tỷ 865 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 557 tỷ 54 triệu đồng.

Tính từ đầu tháng 11/2023 đến nay, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 5.743 vụ, số vụ xử lý 5.171 vụ vi phạm; khởi tố hình sự 10 vụ đối với 10 đối tượng; tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước: 3.465 tỷ 221 triệu đồng. Trong đó, phạt hành chính 409 tỷ 514 triệu đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế sau là 794 tỷ 082 triệu đồng (do cơ quan Thuế, Công an, Hải quan thực hiện); trị giá hàng hóa vi phạm 317 tỷ 166 triệu đồng.

Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ, xử lý hành chính 26.535 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong năm 2023. Ảnh minh hoạ

Theo ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa...

Đồng thời, xây dựng và ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố; triển khai thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Tuy nhiên, hiện nay một trong những khó khăn và thách thức đối với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát trên môi trường mạng, thương mại điện tử. Các đối tượng ngày càng am hiểu và có trình độ về công nghệ thông tin, sử dụng cùng một lúc nhiều tài khoản trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để ngay lập tức có thể xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý của cơ quan chức năng.

Hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ không tập kết, bày bán công khai như trước đây mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa hoăc hoạt động giao hàng được thực hiện chủ yếu qua đơn vị vận chuyển trung gian nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác định vị trí kho hàng để tiến hành kiểm tra, xử lý.

Trước thực trạng trên, đại diện các lực lượng chức năng kiến nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu, chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách về xử lý kho bảo quản tang vật vi phạm, kinh phí giám định, kinh phí mua tin phục vụ cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia lưu ý các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhóm mặt hàng trọng điểm dịp trước Tết như hàng điện tử, thời trang, dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia, bánh kẹo, thực phẩm, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, gia súc, gia cầm, ma túy, pháo nổ và một số lĩnh vực mặt hàng đặc thù khác. 

Đồng thời, tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội mua, bán trực tuyến để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các lực lượng chức năng của thành phố như công an, hải quan, quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không, kho hàng, điểm tập kết hàng hóa...

Liên quan đến hàng hoá vi phạm, ngày 28/12, thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cho biết, vừa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Đông Anh phát hiện một xưởng có hành vi sản xuất bít tất giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Dù chưa xuất trình được hợp đồng gia công hay bất cứ giấy tờ liên kết hợp pháp với thương hiệu lớn nào, nhưng bước đầu lực lượng chức năng ghi nhận vô số sản phẩm bít tất giả mạo nhiều nhãn hiệu đã được bảo hộ vẫn được ra lò tại đây như Nike, Adidas, Mizuno, Uniqlo... Theo ước tính, số lượng tất giả mạo nhãn hiệu thành phẩm lên đến hàng chục nghìn đôi. Khối lượng lớn tem mác in sẵn logo các nhãn hiệu lớn để phục vụ công việc sản xuất hàng giả cũng bị thu giữ.

Theo lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 9 thông tin: "Rất khó để lực lượng chức năng phát hiện và kiểm tra cơ sở bởi đối tượng thuê ở một nơi nằm sâu trong ngõ nhỏ, đan xen giữa các cơ sở sản xuất đồ gỗ. Để hạn chế quan sát của người dân xung quanh, bên ngoài đã được quây tôn kín mít, đóng cửa cả ngày lẫn đêm, ngoại trừ những thời điểm xuất hàng đi tiêu thụ".

Hiện Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đang tiến hành tạm giữ hàng hóa để tiếp tục xác minh làm rõ các hành vi vi phạm.

Phương Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu