02:34 ngày 25/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Ai 'tiếp tay' để mất nghìn tỷ nhà nước bởi Vimedimex?

10:27 24/10/2016

Mặc dù chủ trương phê duyệt cho dự án mang nguồn thu đầy tính xã hội, nhưng Vimedimex đã chuyển sang hình thức thương mại hóa, nhà nước có nguy cơ mất hàng nghìn tỷ đồng...

Tan vỡ dự án nhà ở xã hội

Chuyện đang xảy ra ở "Dự án đầu tư xây dựng công trình thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại ô đất B4, khu đô thị mới Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội” (Dự án B4 Nam Trung Yên – PV). 

Theo tìm hiểu của PV, nằm trong kế hoạch thí điểm cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tháng 8/2008, UBND TP. Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) khai thác quỹ đất có diện tích khoảng 15.747m2 tại ô đất B4 trong khu đô thị Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) để tạo nguồn thu hỗ trợ thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cần phải nói rõ hơn, việc cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ là điều rất cần thiết và mang tính xã hội lớn. Chính vì vậy, UBND TP. Hà Nội đã dành nhiều “ưu ái” cho đơn vị tham gia thực hiện bằng việc giao cho các khu “đất vàng” của thành phố với niềm tin sẽ có một nguồn thu đối ứng để thực hiện dự án cải tạo xây dựng khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng và mong đợi đã sụp đổ, bởi sau nhiều năm thực hiện, dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ vẫn chỉ được thực hiện một cách “cầm chừng”. Trong khi đó, các khu “đất vàng” đã trao tay cho nhà đầu tư nay đã được biến thành một dự án khác, mang đậm giá trị thương mại, mà tuyệt nhiên không còn thấy nhắc đến cái tên: “dự án Nguyễn Công Trứ”.
Điển hình, không đâu xa phải kể đến Dự án B4 Nam Trung Yên.

Dự án B4 Nam Trung Yên từ dự án mang tính xã hội chuyển sang mục đích thương mại khiến nhà nước có nguy cơ mất hàng nghìn tỷ đồng.

Cú “chuyển ngôi” hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng

Theo đó, đến tháng 6/2009, UBND TP. Hà Nội có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội tại ô đất ký hiệu B4. Cụ thể, 10.747m2 (trong tổng số 15.747 m2 của ô đất B4), được điều chỉnh thành chức năng công trình hỗn hợp bao gồm: văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở chung cư.

Sau nhiều năm không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, Handico 7 đã tìm cách “chạy” khỏi dự án khi tính chuyện hợp tác liên danh và uỷ quyền cho Công ty CP phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm (Công ty Bắc Từ Liêm, được thành lập 8/2015) là công ty “con” của Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) để đầu tư dự án.
Những tưởng dự án sẽ được thực hiện đúng như quy hoạch đã được phê duyệt. Thế nhưng, khi đã có được “đất vàng” trong tay, Công ty Bắc Từ Liêm lại “vẽ” dự án theo một quy hoạch mới. Theo đó, công ty này nhanh chóng làm đề xuất chuyển đổi 10.747 m2 đất văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở chung cư… đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tại ô đất B4 trong khu đô thị Nam Trung Yên thành “Nhà phố thương mại thấp tầng” với giá trị thu lời cao hơn nhiều lần.

Thế rồi, sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định 5081 ngày 19/9/2016 về chủ trương đầu tư, chấp thuận cho liên danh công ty Bắc Từ Liêm và công ty nhà số 7 Hà Nội thực hiện, trong đó Công ty Bắc Từ Liêm là đại diện liên danh. Dự án chuyển thành công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ văn phòng và nhà ở thấp tầng (5 tầng) và công trình dịch vụ gara (7 tầng) kết hợp trạm xăng. Và đương nhiên, cái tên “dự án Nguyễn Công Trứ” đã không còn thấy trong quyết định nữa.
Ngay lập tức, phía chủ dự án đã có thông báo khởi công công trình vào ngày 7/10 tới chính quyền sở tại.
Việc thay đổi chủ trương đầu tư dự án của TP. Hà Nội khiến giới đầu tư BĐS được phen giật mình, bởi sau khi dự án được chuyển đổi, chỉ nhẩm tính sơ bộ, số tiền chủ đầu tư hưởng lợi sẽ lên đến con số nhiều trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể, một khoản tiền “kếch xù” của nhà nước bỗng dưng… không cánh mà bay.

Dự án B4 đang "qua mặt" các cơ quan chức năng về thủ tục pháp lý.

Một chuyên gia về lĩnh vực quản lý xây dựng cho rằng, việc TP. Hà Nội giao đất cho Hadico 7 thực hiện dự án để tái đầu tư thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với lợi ích chung của người dân thành phố. Đáng lý ra, Handico 7 phải nhanh chóng thực hiện dự án như đã được UBND thành phố phê duyệt. Nhưng không, Handico 7 kéo dài thời gian, đến đầu năm 2016 thì liên danh với một doanh nghiệp khác và nhường cho họ cái quyền “cầm chịch” dự án là điều không thể chấp nhận.
“Đúng ra, thành phố phải ngay lập tức thu hồi và cho đấu giá dự án để thực hiện chủ trương tạo nguồn thu cho dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Thế nhưng, thành phố lại chấp thuận để Handico 7 liên danh với công ty con của Vimedimex Group thực hiện các dự án không đúng chủ trương đã đề ra. Việc này có thể gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước”, vị chuyên gia nhận định.
Trước đó, trong giới đầu tư BĐS không ngớt bàn tán đến câu chuyện liên danh liên kết thực hiện các dự án BĐS “ngủ đông” trên địa bàn TP. Hà Nội. Nhiều người chia sẻ, những năm trước đây, khi nhiều công ty nhà nước có được các dự án BĐS nhưng không có đủ khả năng về tài chính để thực hiện, họ cứ “ôm” chờ thời. Đến khi có một đối tác mạnh muốn thực hiện dự án, có nhiều cách để hai bên “bắt tay” nhau như ký các hợp đồng liên danh liên kết để cùng thực hiện. Tuy nhiên đó là cái vỏ bọc bên ngoài, thực chất bên trong là chuyện… “bán cái”.
Trong dự án triển khai tại khu B4 Nam Trung Yên ta cũng có quyền nghĩ tới một kịch bản tương tự nếu các cấp chính quyền vẫn… ngó lơ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...

Cần làm rõ khoản vay hàng nghìn tỷ ở ngân hàng
Theo quy định, để đủ điều kiện cấu thành một dự án có thể mang đi thế chấp ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau: Dự án phải được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định đầu tư (theo Luật đầu tư năm 2014); Dự án phải được phê duyệt 1/500, có thẩm tra thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật; Dự án phải có quyết định giao đất; Dự án phải có quyết định giá đất; Nộp thuế toàn bộ hoặc một phần; Phải có giấy phép xây dựng.
Thế nhưng, theo những gì mà PV thu thập được, nhiều dự án của Vimedimex Pharma, dù không đủ điều kiện như trên, nhưng vẫn được các ngân hàng “xuống tay” cho vay những khoản tiền “khủng”.
Theo một con số chưa chính thức, số tiền các ngân hàng cho Vimedimex Pharma vay bằng việc thế chấp các dự án không đủ điều kiện cũng đã lên đến con số hàng nghìn tỷ đồng.
Vậy vì sao các ngân hàng lại bất chấp các quy định để “xé rào” chi những khoản tiền không hề nhỏ? Đương nhiên, có một kịch bản được nhắc đến với những cái “bắt tay” hưởng lợi.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu