17:42 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Gốm Chu Đậu - những bông hoa của đất

07:56 05/07/2017

(THPL) - Có về Chu Đậu, được tận mắt chứng kiến những nghệ nhân nơi đây tỉ mỉ vẽ, nặn, tạo hình nên từng sản phẩm mới thấy “cảm” nét đẹp của dòng gốm đặc biệt này. Những bình, chậu, bộ ấm pha trà,… tưởng chừng là những vật dụng vô tri vô giác nhưng ẩn sâu trong đó chứa đựng biết bao giá trị tinh hoa của cuộc sống.

Chúng tôi về thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vào những ngày tiết trời miền Bắc nắng nóng kỷ lục. Ấy vậy mà trong không gian ngập tràn hơi thở của gốm, những nghệ nhân vẫn miệt mài công việc thổi hồn cho đất.

Gắn bó với gốm từ thuở ấu thơ, niềm đam mê với nghề trong nghệ nhân Trần Kim Liên cứ thế được nhân lên theo thời gian. Gần 20 năm qua, chị say mê sáng tạo nên cả một “gia tài” gốm mà ở đó, mỗi tác phẩm lại mang một sự mới mẻ, độc đáo riêng. Nghệ nhân Trần Kim Liên tâm sự, không như vẽ tranh hay vẽ trên các chất liệu khác với đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng, vẽ trên gốm chỉ với một màu chàm duy nhất nhưng làm sao thể hiện nội dung khác nhau mà vẫn phân biệt được mọi sắc độ mới là cái khó của vẽ gốm.

Nói rồi, chị vừa vẽ vừa chỉ cho chúng tôi họa tiết của chiếc bình có nội dung “thuận buồm xuôi gió”. Cũng chiếc bình ấy, cũng một màu chàm ấy nhưng khéo léo là ở chỗ mỗi chiếc thuyền, dòng nước lại có độ xa gần khác nhau, mang một thần thái riêng biệt.

Gốm Chu Đậu - những bông hoa của đất
Các nghệ nhân Chu Đậu đang thổi hồn vào các sản phẩm gốm. 

Gốm Chu Đậu được làm thủ công hoàn toàn. Khác với những sản phẩm gốm khác, gốm Chu Đậu có họa tiết mang đậm giá trị văn hóa người Việt. Hoa văn trang trí trên gốm rất phong phú, từ đắp nổi, khắc chìm, vẽ công phu, đến nét bút phóng khoáng và điêu luyện nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt về giá trị thẩm mỹ. Chính những họa tiết mang hồn cốt dân tộc này tạo nên nét đặc trưng của gốm Chu Đậu, cũng như sự tinh hoa của dòng gốm này. 

Công đoạn vẽ đã khó, nung gốm càng khó khăn hơn. Men gốm Chu Đậu được làm từ tro trấu mà tro trấu phải làm từ gạo nếp cái hoa vàng được trồng ở vùng đất Kinh Môn, vùng đất có thổ nhưỡng hoàn toàn khác biệt với các vùng đất khác. Lớp men này sẽ giữ cho sản phẩm được bền mãi với thời gian. 

Ông Đinh Ngọc Dậu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thái Tân cho biết, Chu Đậu được coi là một trong những chiếc nôi của nghề gốm Việt Nam. Sau hàng trăm năm thất truyền, gốm Chu Đậu hồi sinh từ hai công ty gốm sứ được hình thành tại địa phương. Nhờ thế mà làng gốm Chu Đậu khoác lên mình diện mạo mới. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân tăng 9-11%/năm. Xác định nghề gốm không chỉ mang giá trị truyền thống, nét văn hóa đặc trưng mà còn trở thành hướng phát triển kinh tế của địa phương nên lãnh đạo xã tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp xây dựng và phát triển nghề. Cùng với đó, hằng năm, xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, các phiên giới thiệu việc làm, mở lớp đào tạo nghề gốm... 

Giờ đây, người dân Chu Đậu tự hào vì các sản phẩm của địa phương. Ông Đinh Ngọc Dậu cho hay trong tương lai, dù tiếp tục được mở rộng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu với những công nghệ mới nhưng chất lượng sản phẩm vẫn là mục tiêu được người Chu Đậu đặt lên hàng đầu. Công nghệ tiên tiến có thể được áp dụng ở khâu men mực, nhưng ở các công đoạn khác vẫn phải làm thủ công bằng chính đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Chu Đậu. Có như vậy, thương hiệu gốm Chu Đậu mới được giữ gìn và ngày càng lan tỏa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Minh Ánh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu