01:08 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giá thành thấp, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang thua lỗ

07:43 19/10/2023

(THPL) - Theo Cục Chăn nuôi, các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng trên cả nước dao động từ 17-35.000 đồng/kg thịt hơi; giá bình quân là 25.600 đồng/kg. Trong khi đó, mức bình quân giá thành sản xuất thực tế thường rơi vào khoảng 29.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người chăn nuôi thua lỗ liên tiếp.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này năng lực sản xuất giống trong nước có thể cung ứng đủ nhu cầu, các doanh nghiệp đã sẵn sàng lượng giống cho việc tăng đàn cuối năm. Sản lượng thức ăn chăn nuôi hàng năm đạt khoảng 20 - 21 triệu tấn, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. 

Giá bán gà ta và gà công nghiệp suốt cả năm 2022 và nửa đầu năm 2023 đều thấp hơn giá thành sản xuất từ 4.000 - 8.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người chăn nuôi thua lỗ liên tiếp. Nếu không kiểm soát tốt vấn đề nhập khẩu gia cầm giống cũng như sản phẩm thịt, thì thị trường chăn nuôi trong nước sẽ khó ổn định.

Lý giải nguyên nhân của việc giá bán sản phẩm gia cầm dưới giá thành sản xuất, ông Tống Xuân Chinh – Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng, đó là do nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng rất cao do các vấn đề về xung đột của các nước, tác động của COVID-19, vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước của một số quốc gia,…Những điều này đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng lên.

Giá thành thấp, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang thua lỗ. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá, sản xuất trong nước của chúng ta vẫn đang tăng trưởng, sức mua không tăng, bởi kinh tế không phục hồi một sớm một chiều, trong khi đó sản phẩm nhập khẩu chính ngạch tăng, tiểu ngạch nhập lậu cũng tăng.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, trong số 3,4-3,8 triệu con giống gia cầm nhập khẩu về hàng năm về Việt Nam, thì có đến 1,5-2 triệu con giống nhập lậu, chủ yếu là các giống gà lông màu thả vườn, vịt, ngan, ngỗng… Dự báo, từ nay đến Tết Giáp Thìn, dự báo tình hình buôn lậu gia cầm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây là một trong những nguồn lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát được, dịch bệnh sẽ bùng phát trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Cùng với đó, do con giống nhập lậu không được trải qua kiểm dịch, tiêm phòng vacxin, lại thêm việc đã nhiễm sẵn nhiều mầm bệnh, khiến tỷ lệ chết rất cao. Vì vậy, rất nhiều con giống nhập về nuôi sau 1-3 tháng thì mắc bệnh và chết, khiến nông dân thua lỗ nặng nề, làm giảm sức sản xuất.

Để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội, người chăn nuôi gia cầm trong nước, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cho rằng, Bộ NN&PTNT cần xem xét rà soát lại chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn. Theo đó, định hướng phát triển cần hài hòa giữa phát triển số lượng và chất lượng, coi trọng, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hơn là tăng quá nóng về số lượng. Đồng thời, cần hạn chế tăng số lượng và quy mô trang trại tại một số khu vực, vùng sinh thái có mật độ chăn nuôi cao.

Cũng theo ông Sơn, các Bộ, ngành cần rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt rút ngắn thời gian giải quyết các văn bản, tránh làm mất đi cơ hội trong sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp. Trong đó, trước mắt kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét bãi bỏ quy định chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã được phép lưu hành tại Việt Nam. Theo ông Sơn, việc thực hiện quy định công bố hợp quy gây lãng phí thời gian, nhân lực đối với doanh nghiệp do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lắp, phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất như chi phí kiểm nghiệm, chi phí in lại bao bì, nhãn mác,…trong khi đó đã có các quy định pháp luật khác về kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm giá thành thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh khăn khăn hiện nay đối với ngành chăn nuôi nước ta.

Để tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm trong nước chắc chắn sẽ cần có lộ trình lâu dài liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng trong thời điểm hiện nay chúng ta cần phải tập trung triển khai nhiều giải pháp trước mắt để vực dậy ngành chăn nuôi gia cầm– ngành hàng quan trọng liên quan đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân và góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm cho nước ta.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu