16:49 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

EVN được giao xây dựng phương án và thời điểm điều chỉnh giá điện

18:09 25/08/2023

(THPL) - Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023.

Theo thông báo kết luận, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023; sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023.

"Chỉ đạo chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh", Phó Thủ tướng lưu ý.

EVN được giao xây dựng phương án và thời điểm điều chỉnh giá điện. Ảnh minh hoạ

Từ 4/5/2023, giá điện bán lẻ bình quân tăng 3%, lên 1.920,37 đồng một kWh, sau gần 4 năm bình ổn. Tuy nhiên, theo công bố, mức này chỉ bằng 1/3 so với mức tăng 9,27% giá thành sản xuất điện năm 2022 (2.032,26 đồng). Do đó, tình hình tài chính của EVN vẫn chưa cải thiện sau đợt tăng giá này.

Hồi cuối tháng 7, EVN từng đề cập muốn sớm được tăng tiếp giá điện do tình hình tài chính chưa cải thiện sau đợt tăng giá cách đây 3 tháng. Năm ngoái tập đoàn này ghi nhận lỗ hơn 26.000 tỷ đồng do giá nhiên liệu (than, dầu, khí) tăng vọt, trong khi giá bán chưa được điều chỉnh kịp thời.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Như vậy, nếu được đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào cuối năm nay.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến sửa các quyết định liên quan tới điều hành giá điện, như cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định 24/2017) với hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh từ 6 xuống 3 tháng một lần, và bổ sung quy định giảm giá điện. Cơ quan này cũng đang sửa Quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, dự kiến giảm biểu giá bán lẻ điện từ 6 xuống còn 5 bậc. Giá điện ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) khoảng 3.457 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Tại thông báo kết luận, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu báo cáo Chính phủ việc sửa các quyết định này trong tháng 8 và 9. Đồng thời, Bộ Công thương cũng được yêu cầu theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới, xây dựng các kịch bản và giải pháp đảm bảo nguồn cung trong nước, để tránh gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước.

"Cơ quan quản lý tăng kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống", thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ nêu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023, báo cáo Chính phủ trước ngày 19/8/2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát biến động thị trường; giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nhất là các nông sản vào chính vụ để định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và đóng góp tích cực cho xuất khẩu.

Đồng thời, cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn), nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có chỉ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm. Tham gia, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản.

Phương Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu