06:01 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công Thương: Điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết

Tuấn Linh (t/h) | 10:04 05/05/2023

(THPL) - Theo Bộ Công Thương: "việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết". Tuy nhiên, tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống.

Ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Tập đoàn này đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Liên quan đến thông tin tăng giá điện, trong chiều cùng ngày, Bộ Công Thương đã phát đi thông báo về vấn đề này. Theo Bộ Công Thương, giá bán điện bình quân sẽ được quyết định dựa trên khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Chính phủ ban hành và cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (quy định tại Quyết định số 24 ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được tính toán dựa trên các yếu tố gồm phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ…Trong đó chi phí phát điện chiếm tỉ trọng lớn nhất – theo tính toán khoảng hơn 83%, trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, các khâu còn lại chiếm tỉ trọng gần 17% (theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN).

Thông số đầu vào tính toán giá bán lẻ điện bình quân trong 4 năm vừa qua đã có nhiều biến động so với thông số đầu vào để xác định giá bán lẻ điện bình quân tại thời điểm 20/3/2019.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết. Ảnh minh hoạ

Bộ Công Thương nhấn mạnh, trước tác động của các biến động trên thế giới và các yếu tố cung - cầu trên thị trường, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như là than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện ở nhiều nước tăng khá cao. Chi phí nhiên liệu Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, do đó đã làm cho chi phí phát điện tăng theo.

Bộ Công Thương cho biết, giá điện đã được Chính phủ, Bộ, ngành và EVN nỗ lực giữ trong 4 năm, ngoài ra, EVN đã thực hiện 5 đợt hỗ trợ giảm tiền điện khoảng 15.234 tỷ đồng nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của COVID-19 và khó khăn của nền kinh tế.

Tuy vậy, khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không tránh khỏi.

Trước những khó khăn trên, Bộ Công Thương nhấn mạnh "việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết". Tuy nhiên, tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống.

Trong bối cảnh biến động giá nhiên liệu trên thế giới có tần suất và biên độ ngày càng lớn theo chiều hướng gia tăng, EVN cần tiếp tục thực hiện định hướng chung là tiết kiệm, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để đảm bảo khả năng cân đối tài chính năm 2023, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

Nhận định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhìn nhận,  Bộ Công Thương và EVN đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện không “giật cục”, có lộ trình, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

“Mức tăng 3% là thấp, vẫn tiếp tục khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện gặp nhiều khó khăn trong điều kiện chi phí mua điện đầu vào từ các nhà máy nhiệt điện than vừa qua đã tăng 25%, từ nhà máy tua bin khí tăng 11,3%”, ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích thêm.

Cũng theo chuyên gia này, việc điều chỉnh không tránh sẽ có tác động nhất định. Tuy nhiên, với mức tăng giá bán lẻ bình quân 3%, tác động sẽ không lớn, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng vòng 1 trực tiếp là 0,099% và vòng 2 tăng 0,18%. Nếu tính tác động tới giá thành các nhà sản xuất dùng điện nhiều như với sản xuất thép, giá thành tăng 0,18%; giá thành sản xuất xi măng tăng 0,45%; giá thành sản xuất giấy tăng 0,4%. Đối với người tiêu dùng, 25 triệu hộ tiêu dùng điện hiện nay với mức bình quân dùng 200 kW/tháng sẽ chịu mức tăng 12.000 đồng/ tháng.

Để hạn chế việc “té nước theo mưa”, một số doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá hàng hóa, gây tác hại đến kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Nhà nước cần có chính sách tổng thể bình ổn mặt bằng giá. Trước hết, Nhà nước cần yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giá, ổn định giá, kê khai chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh khi giá điện tăng 3% để tránh tình trạng giá điện tăng bao nhiêu thì giá thành sản phẩm cũng tăng lên bấy nhiêu.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu