03:35 ngày 10/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

EVN cam kết không tăng giá điện trong năm 2022

15:35 08/04/2022

(THPL) - Theo tin từ đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sau khi cân đối tài chính, EVN cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện.

Thông tin trên được ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu tại hội thảo Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện diễn ra ngày 8/4.

Báo Hà Nội mới đưa tin, theo EVN, năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện quốc gia: Nhu cầu điện giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19; thủy văn diễn biến bất thường; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống, dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” ở khu vực miền Nam nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc vào một số thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của tất cả đơn vị thành viên, ngành điện đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong năm 2022, để vận hành an toàn hệ thống điện, nhất là việc triển khai các dự án điện, theo ông Nguyễn Tài Anh, EVN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là các quy định pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng còn thiếu đồng bộ; trình tự, thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư phải qua nhiều bước dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn. Những tồn tại này cần được tháo gỡ để tiến độ triển khai các dự án điện được đẩy nhanh.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới biến động đã đẩy giá nhiên liệu sơ cấp như than, dầu khí tăng cao. Giá sắt thép để xây dựng các dự án nguồn điện và truyền tải điện đều tăng cao. Các yếu tố đó khiến ngành điện nói riêng và các ngành khác đều đang phải chịu áp lực ở toàn bộ đầu vào xây dựng và sản xuất kinh doanh.

EVN cam kết không tăng giá điện trong năm 2022. Ảnh minh họa

Theo báo VnExpress, cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tổng vốn đầu tư phát triển điện đến 2030 là gần 142,6 tỷ USD. Tức bình quân mỗi năm Việt Nam sẽ cần khoảng 14 tỷ USD đầu tư vào nguồn và lưới điện, trong đó 75% nhu cầu vốn cho nguồn, còn lại là lưới điện.

Với mức tăng trưởng điện hiện là 8-10% mỗi năm, số vốn cần huy động đầu tư vào các dự án điện (nguồn, lưới) khoảng 8-9 tỷ USD một năm. EVN chiếm một phần ba tỷ trọng nguồn điện phát cả nước, còn lại thuộc về các tập đoàn khác như PVN, TKV hay các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Ông Nguyễn Tài Anh cho biết thêm, để đáp ứng điện cho phục hổi phát triển kinh tế, EVN đang nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo tiến độ của các dự án nguồn điện, đưa vào vận hành đúng kế hoạch. Với nhu cầu đầu tư lớn cho điện trong giai đoạn tới, 14 tỷ USD một năm cho điện, ông Tài Anh cho biết "EVN không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, cần sự tham gia của các thành phần kinh tế khác". Hiện mỗi năm tập đoàn này đầu tư khoảng 86.000 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD) vào nguồn và lưới điện.

Việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào ngành điện là cần thiết. Song theo các chuyên gia, đây là bài toán không đơn giản nếu không giải quyết và có sự phối hợp chặt chẽ trong chính sách, cơ cấu giá...

Thực tế, khối tư nhân tính toán nhiều đến lợi nhuận tại mỗi dự án, việc thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng cũng đánh giá kỹ về triển vọng lợi nhuận, nên về dài hạn, chi phí điện còn gia tăng, ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn đầu tư cả trong lẫn ngoài nước vào các dự án điện.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu