09:29 ngày 28/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Dự báo xuất khẩu gạo còn đối diện nhiều thách thức trong năm 2025

17:00 27/12/2024

(THPL) - Dù khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong lịch sử nhưng triển vọng xuất khẩu năm 2025 lại gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, sự trở lại mạnh mẽ của Ấn Độ trong năm 2025 được dự báo sẽ tạo áp lực lớn lên thị trường gạo Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị, với khoảng 9 triệu tấn đem về 5,7 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn, đưa giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba năm qua tăng ấn tượng, tăng trên 28%, và đưa kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số.

Năm 2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần so với năm 2023.

Cũng trong năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn. Để gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo, Việt Nam đang tạo dựng hướng đi khác biệt cho ngành hàng lúa gạo khi tập trung vào xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao và giảm dần gạo cấp thấp. Trong sản xuất, người nông dân  cũng tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, bán được giá đem lại hiệu quả kinh tế cao và được thị trường quốc tế ưa chuộng như: Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST...

Cùng với xuất khẩu, Việt Nam cũng nhập rất nhiều gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan… để phục vụ chế biến và tiêu dùng cho phân khúc bình dân. Ngoài ra, còn có nguồn lúa gạo từ Campuchia vừa phục vụ tiêu dùng, vừa xuất khẩu do nước này chưa có hạ tầng chế biến tốt như Việt Nam.

Dự báo xuất khẩu gạo còn đối diện nhiều thách thức trong năm 2025. Ảnh minh họa

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024. Năm 2025, nguồn cung gạo thế giới sẽ trở nên dồi dào hơn khi có sự trở lại của Ấn Độ, với dự báo nước này có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024.

Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu gạo năm 2025 dự báo Indonesia là nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới cũng sẽ giảm nhập khẩu, trong khi Trung Quốc đã giảm nhập khẩu gạo rất mạnh từ năm 2024.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đó. Đứng trước những dự báo về thị trường xuất khẩu gạo năm 2025, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, giá gạo xuất khẩu có thể giảm nhẹ khi nguồn cung phục hồi, song cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có. Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến chất lượng gạo xuất khẩu đảm bảo những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.

Liên quan đến ngành gạo, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, gạo Việt đã xây dựng được hướng đi khác biệt, tập trung vào những sản phẩm chất lượng cao, được quốc tế ưa chuộng. Đơn cử, dù đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống chỉ còn 15% nhưng gạo Việt Nam bán tại thị trường Philippines vẫn duy trì ở mức cao, do người dân quốc gia này ưa thích gạo Việt bất chấp giá cao.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bổ sung, hiện 95% giống lúa và 89% sản lượng gạo của Việt Nam đạt chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường xuất khẩu gạo.

Hiện nay, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tiếp tục mở ra phương hướng mới cho ngành lúa gạo chinh phục những thị trường khó tính. Cùng với đó, những hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác lớn cũng là nền tảng thuận lợi giúp gạo Việt giữ vững thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, để vượt qua các khó khăn trong xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho rằng, cần có sự hỗ trợ kịp thời từ các ngân hàng và cơ quan thuế, nhằm giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường mới cho gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chú trọng đến phát triển mô hình nông nghiệp bền vững, trong đó có lúa-cá, lúa-tôm, giúp nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo. Bà Nguyễn Thị Thu Hương cũng cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các vùng trồng lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

Theo bà Hương, dù xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 đạt kỷ lục mới, các thách thức trong năm 2025 vẫn là một bài toán khó. Việc duy trì chất lượng gạo, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là yếu tố quan trọng để giữ vững thị trường và tiếp tục cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Ấn Độ và Thái Lan. Chỉ khi đó, gạo Việt Nam mới có thể duy trì được đà tăng trưởng và vươn lên trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu