16:54 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Dự báo xuất khẩu dệt may sang Mỹ sẽ khởi sắc trong năm 2024

10:42 11/01/2024

(THPL) - Theo nhận định của một số chuyên gia, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ khởi sắc trong năm 2024, trong đó ở nhóm hàng dệt may và giày dép đã có những tín hiệu tích cực.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc giảm 3,1 tỷ USD (giảm 8,9%); xuất khẩu vải giảm 186 triệu USD (giảm 6,9%); xuất khẩu xơ sợi giảm 485 triệu USD (giảm 10,3%); xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 218 triệu USD (giảm 16%).

Năm 2024, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ngành dệt may vẫn có cơ hội trong năm nay khi nhu cầu thị trường dự kiến cải thiện hơn năm 2023, do kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.

Cụ thể, Tập đoàn VinaCapital nhận định, chuỗi suy giảm lâu nhất trong vòng 10 năm qua của lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam đã chạm đáy và nhiều khả năng sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024. Ông Michael Kokalari – CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho biết, nguyên nhân là do đơn hàng xuất khẩu trên toàn cầu đã sẵn sàng tăng trở lại khi hàng tồn kho cuối năm 2023 của các nhà bán lẻ ở Mỹ giảm 5-7% so với năm trước đó. Điều này đã lý giải vì sao xuất khẩu của Việt Nam từ mức tăng 11% năm 2022 xuống mức giảm 4% năm 2023.

VinaCapital kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2024, một phần bởi dư nợ tín dụng ở Mỹ đã tăng gần 40% trong hai năm qua, hạn chế người tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục mua sắm các sản phẩm “Made in Vietnam". Cụ thể, do xuất khẩu hàng may mặc - giày dép của Việt Nam vẫn chưa bắt đầu hồi phục bởi nhu cầu từ thị thị trường Mỹ còn yếu. Ngoài ra còn do một số nhà cung cấp đang chuyển nhà máy đến các nước có nhân công rẻ hơn và một số nhà cung cấp đang chuyển nhà máy ra khỏi châu Á để tránh khả năng phải nhập cotton hoặc các nguyên liệu khác từ Trung Quốc.

VinaCapital cũng cho hay, mặt hàng may mặc - giày dép Việt Nam đã được các khách hàng quốc tế thông báo cho các đơn vị sản xuất về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay. Các đơn vị cũng cho biết khách hàng thường đặt đơn nhỏ hoặc đơn giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng từ 6-12 tháng như trước.

Dự báo xuất khẩu dệt may sang Mỹ sẽ khởi sắc trong năm 2024. Ảnh minh hoạ

Cũng liên quan đến xuất khẩu sản phẩm dệt may, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết, năm 2024, Mỹ vẫn sẽ là thị trường nổi bật và có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là trước thềm bầu cử. Ngoài ra, gần đây, Dony đã tiếp cận thị trường Nga và nhận thấy có tín hiệu khả quan khi thị trường này có sự dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhiều hơn. Dony đang thực hiện đơn hàng cho doanh nghiệp Nga đến Tết Nguyên đán.

Dony cũng đang có một số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Đông. Còn ở thị trường Đông Nam Á, các đơn hàng xuất khẩu sang một số quốc gia như Malaysia, Campuchia… đang khá đều.

Trước những tín hiệu sáng của thị trường Mỹ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo- Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10- CTCP kỳ vọng, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam. Việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam là cơ hội tốt đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng.

Hiện, một số tập đoàn lớn của Mỹ trong đó có Walmart đã thông báo tìm kiếm, mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam, tạo cơ hội đáng kể cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường. Cùng với đó, cơ hội thúc đẩy đầu tư và xây dựng chuỗi cung ứng vào Việt Nam trong bối cảnh hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các nhà nhập khẩu Mỹ.

Dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng, nhất là khi họ muốn tìm nguồn cung ngoài Trung Quốc, đa dạng chuỗi cung ứng và đặc biệt coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực. Việt Nam cũng có cơ hội để trao đổi với Mỹ về khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trong đó có dệt may

“Những cơ hội này thúc đẩy doanh nghiệp dệt may phải sớm đầu tư công nghệ sản xuất thông minh, công nghệ xanh, số hóa để giảm giá thành sản xuất, nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm, đảm bảo thời gian giao hàng; phát huy lợi thế của đội ngũ công nhân tay nghề cao có thể tạo ra các sản phẩm có chất lượng bậc trung trở lên để cạnh tranh, nhất là thâm nhập vào các thị trường ngách tại Mỹ”, bà Phương Thảo cho hay.

Theo các chuyên gia, bên cạnh tín hiệu sáng từ thị trường Mỹ, năm 2024 còn một số điểm thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may khởi sắc hơn. Trong đó, giá cược vận tải biển tiếp tục giảm, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam vẫn diễn ra.

Do vậy, thời gian tới các doanh nghiệp dệt may trong nước được khuyến cáo, với ngành may cần tính toán giảm tỷ lệ sản phẩm giá rẻ (khoảng 20%), thay đổi kết cấu loại hàng, đầu tư thêm thiết bị chuyên dùng, đảm bảo công nhân lành nghề có thu nhập tương xứng, hướng đến đích tăng doanh thu và lợi nhuận trên đầu người…

Ngành sợi cần tính toán hiệu suất từ sử dụng nguyên liệu, chi phí điện, vốn lưu động; rà soát và thoát khỏi câu chuyện phải tăng trưởng chiều rộng, phải tối đa sản lượng hàng hoá phổ thông mà mục tiêu chính phải là tăng trưởng hiệu quả, cải thiện sức mạnh doanh nghiệp sau 1 năm khó khăn.

Tuấn Kiệt (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu