11:01 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả:1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước chưa giải ngân

10:33 25/05/2023

(THPL) - Dù dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã hoàn thành và đi vào hoạt động nhiều năm, nhưng đến nay, vẫn còn 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước chưa giải ngân cho dự án này.

Hầm đường bộ qua Đèo Cả là dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà đầu tư là 16.564 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng. Kể từ đầu năm 2021, hạng mục hầm Hải Vân 2 đi vào hoạt động, đánh dấu mốc hoàn thành dự án bao gồm các hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, và mở rộng hầm Hải Vân theo đúng cam kết tại hợp đồng BOT.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định: “Toàn bộ các công trình thuộc dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung. Dự án đã được các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm toán. Công tác quyết toán dự án đã cơ bản hoàn thành”.

Hầm đường bộ Đèo Cả
Hầm đường bộ Đèo Cả

Trong khi Dự án từng ngày từng giờ vẫn đang phục vụ xã hội, nhà đầu tư đang “mắc kẹt” trên con đường hoàn vốn bởi sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước.

Trên cơ sở chủ trương số vốn Nhà nước tham gia, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án, ký hợp đồng, ngân hàng đã thẩm định và cho vay. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 1.180 tỷ đồng phần vốn Nhà nước cam kết đóng góp chưa được giải ngân cho dự án. Nhà đầu tư và ngân hàng đã phải tự ứng trước phần vốn thiếu hụt đó để hoàn thành đáp ứng tiến độ, đảm bảo hiệu quả tổng thể Dự án.

Bên cạnh bất cập nêu trên, ở tình cảnh khó “chồng” khó còn bởi trong phương án tài chính tổng thể, trạm La Sơn - Tuý Loan được các Bộ, ngành, địa phương thống nhất tham mưu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng thu phí để hoàn vốn cho tổng thể Dự án và được cụ thể hoá trong hợp đồng Dự án.

Tuy nhiên, do bất cập về cơ chế khiến việc hoàn vốn từ nguồn thu tại trạm này không được triển khai, nhà đầu tư hụt thu hoàn vốn khoảng 2.280 tỷ đồng, dự án bị vỡ phương án tài chính.

Gần nhất, trong tháng 3/2023, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ KHĐT về vấn đề nguồn vốn nhà nước hỗ trợ dự án hầm Đèo Cả. Bộ GTVT khẳng định, việc bố trí vốn nhà nước (1.180 tỷ đồng) tham gia, hỗ trợ dự án phù hợp với quy định của pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội; phù hợp với chủ trương bố trí vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thông qua và thực hiện cam kết của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Hợp đồng dự án; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo niềm tin, môi trường thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ KHĐT thực hiện thủ tục giao vốn nhà nước đã được bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để giải ngân cho Dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT kiến nghị phương án xử lý bất cập tại Dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Được biết, để đảm bảo tiến độ thực hiện, nhà đầu tư và ngân hàng đã phải ứng trước phần vốn thiếu hụt (1.180 tỷ đồng) do Nhà nước chậm giải ngân, và hơn 5 năm qua, vẫn đang phải gánh thêm cả lãi vay từ phần vốn 1.180 tỷ đồng bị chậm trễ giải ngân và hụt thu do không được thu phí tại trạm La Sơn - Tuý Loan.

Từ 2018 đến nay, trong hơn 20 văn bản kiến nghị xử lý vướng mắc, nhà đầu tư chỉ đề nghị giải ngân số vốn Nhà nước còn thiếu là 1.180 tỷ đồng và có phương án giải quyết mức hụt doanh thu tại trạm La Sơn - Tuý Loan theo đúng cam kết.

Việc chậm trễ giải quyết vướng mắc tại dự án không chỉ khiến nhà đầu tư lâm vào bế tắc mà còn tạo nên tâm lý “quan ngại” của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.

Tuấn Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu