13:17 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Gỡ vướng để dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo sớm về đích

07:30 04/11/2022

(THPL) - Tính tới thời điểm tháng 11, dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo (dài 78,5 km) đã đạt được khối lượng thi công hơn 80%. Tuy nhiên, để sớm về đích, dự án vẫn còn nhiều vướng mắc đang chờ được giải quyết.

Phan Rang đang là mùa mưa. Những trận mưa xối xả bất thường hơn so với mọi năm đang khiến tiến độ thi công trên tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo bị ảnh hưởng không ít. 

Tại công trường hầm đường bộ Núi Vung, ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cho biết, thời gian tới nếu mưa tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thi công một số hạng mục như thảm bê tông nhựa, nền đường K98 và cấp phối đá dăm…

Thi công hầm Núi Vung trên tuyến cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo

 Để khắc phục khó khăn, nhà đầu tư dự án và các nhà thầu trong những tháng qua đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bù đắp tiến độ như huy động tối đa cán bộ tư vấn giám sát, kỹ sư, công nhân, người lao động và máy móc thiết bị các loại, trải dài trên toàn tuyến, tổ chức thi công 3 ca/ngày trong các ngày nắng.

Tính đến 20/10/2022, khối lượng thi công đạt tại dự án đã đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tương ứng 30% khối lượng xây lắp, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu, trong đó phân đoạn do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận đạt sản lượng là 1.418 tỷ đồng, đạt 31,19% tổng giá trị các gói thầu (vượt 5% kế hoạch); phân đoạn do Công ty 194 sản lượng là 789,55 tỷ đồng, đạt 26% tổng giá trị các gói thầu.

Tuy vậy, ông Đặng Tiến Thắng cho rằng, để dự án về đích sớm như dự kiến, rất cần sớm có giải pháp tháo gỡ một số khó khăn mà dự án đang gặp phải.

 Nhiên, vật liệu đội giá đột biến

Ông Thắng cho biết, ảnh hưởng của biến động giá trên thị trường khiến chi phí dự phòng giá nguyên vật liệu của dự án gần như không bù đắp được với tốc độ giá tăng đột biến thời gian qua.

Giá nhiên liệu và các loại vật liệu thiết yếu như: Xi măng, sắt thép, xăng dầu, vật liệu nổ… vượt qua dự phòng của dự án, gây khó khăn cho doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công.

Được biết, doanh nghiệp dự án đã đề nghị cơ quan Nhà nước bổ sung nội dung hợp đồng khi chỉ số giá xây dựng trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá để tính dự phòng thì được điều chỉnh các loại vật liệu thiết yếu như: xi măng, sắt, xăng dầu, và vật liệu nổ, kinh phí này do nhà đầu tư bỏ ra và được điều chỉnh vào thời gian thu phí của dự án.

“Theo tôi được biết, đối với một số dự án đầu tư công đã có chủ trương điều chỉnh giá đối với nguyên vật liệu tăng giá đột biến. Tuy nhiên chưa có chủ trương cho các dự án PPP, gây khó khăn cho các nhà đầu tư và giảm sự thu hút của hình thức đầu tư này”, ông Thắng nêu rõ.

Ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để đưa dự án về đích sớm, thời gian quan, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư 500 tỷ để mua sắm máy móc thiết bị và đang tiếp tục đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất vật liệu, máy móc thiết bị đặc chủng phục vụ công tác thi công hầm, cầu…

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy rất cần được xử lý sớm những bất cập, như với công tác giải phóng mặt bằng, cần ưu cho các hạng mục hầm, cầu trước,..để thực hiện trước công tác chuẩn bị.

Ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị giải quyết một số vướng mắc cho dự án về đích sớm.
Ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị giải quyết một số vướng mắc cho dự án về đích sớm. Ảnh: KN.

Về nguồn vật liệu, ông Nguyễn Tấn Đông cho biết, đa số mỏ vật liệu theo hồ sơ tư vấn thiết kế không sử dụng được, hoặc không đáp ứng đủ khối lượng theo nhu cầu thi công.

“Nguồn đất đắp, nguồn cát xây dựng quyết định rất lớn đến tiến độ dự án, nhưng hiện rất thiếu nguồn cung (cung không đủ cầu). Vật liệu đá có thể sản xuất được nhưng đất, cát thì không thể sản xuất được, và nếu không có vật liệu thì không thể nói đến tiến độ hay cam kết về tiền độ được”, ông Đông nói.

Do đó, ông Đông kiến nghị, Bộ GTVT cần làm việc với địa phương để ưu tiên nguồn vật liệu và giải phóng mặt bằng để khi nhà thầu tiến hành thi công có thể bắt tay vào thực hiện được ngay.

Cũng theo ông Đông, tại dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, tỉnh Ninh Thuận đã rất quyết tâm, và mặc dù có chủ trương, nghị quyết của Chính Phủ nhưng vẫn mất đến 9 tháng để có quyết định cấp phép khai thác, điều này cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án. Để đạt được tiến độ của dự án như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu, thì tỉnh Ninh Thuận đã rất hỗ trợ dự án trong việc tháo gỡ khó khăn nguồn đất đắp và giải phóng mặt bằng cho dự án.

Vừa thi công vừa "chờ"

Một trong những vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án đó là liên quan đến phương án kết nối với hệ thống đường hiện hữu tại địa phương. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận có đề xuất bổ sung nút giao với tỉnh lộ 709, công trình trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận để phát triển hệ thống cảng nước sâu Cà Ná. Đến nay tỉnh đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT để hoàn thiện nút giao này ngay trong giai đoạn 1 chứ không để đến giai đoạn 2 như kế hoạch của Bộ GTVT nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn chưa có quyết định chính thức.

“Hiện nay các công trình như cầu vượt liên quan đến nút giao này chúng tôi đang phải dừng lại để chờ quy mô nút giao này để thi công tiếp, nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, ông Thắng cho biết.

Liên quan đến kết cấu mặt đường, hiện nay, một số dự án cao tốc Bắc Nam chưa có thiết kế đồng bộ (một số dùng bê tông nhựa polime, một số dùng kết cấu nhựa đường 60-70). Riêng đối với dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có thời tiết thất thường, số giờ nắng cao nhất cả nước, thời gian qua Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng có ý kiến nên cần cải thiện lớp bê tông nhựa kết cấu bề mặt để đảm bảo chất lượng, nhằm tránh hằn lún mặt đường.

Về vấn đề này, doanh nghiệp dự án cũng đã đề xuất báo cáo với bộ GTVT nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi thống nhất chính thức từ Bộ GTVT để triển khai công tác bê tông nhựa lớp trên.

Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo vẫn đang vừa thi công vừa chờ được giải quyết những kiến nghị
Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo vẫn đang vừa thi công vừa chờ được giải quyết những kiến nghị. Ảnh: KN

Giải ngân không theo kịp tiến độ

Trong khi nhiều dự án khác khó giải ngân được theo tiến độ kế hoạch vốn, thì tại dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo công tác giải ngân vốn đã được giải ngân vượt kế hoạch vốn ngân sách nhà nước bố trí cho dự án trong năm 2022.

Tính đến ngày 20/10/2022, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án đã giải ngân được là 867,5 tỷ đồng.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, theo nhu cầu thi công thì cần phải bổ sung thêm. Hiện nhà đầu tư đã có kiến nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án để kịp thời giải ngân cho các gói thầu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để nhà thầu thực hiện dự án.

Ông Đặng Tiến Thắng chia sẻ: “Mặc dù gặp những khó khăn như trên nhưng nhà đầu tư xác định nhiệm vụ của mình là phải hoàn thành dự án đạt chất lượng, đúng cam kết tiến độ. Suốt thời gian thực hiện, Ban điều hành luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Hội đồng quản trị, chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh tiến độ về đích trước hẹn 3 tháng như cam kết.

Với sự chuẩn bị rất chủ động tại Cam Lâm – Vĩnh Hảo, chúng tôi đã sẵn sàng cho các công việc tại các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 khi được giao nhiệm vụ. Trên cơ sở máy móc thiết bị đã sẵn sàng, nhân sự được đào tạo bài bản, mô hình quản lý khoa học… có thể bù lại những vấn đề mà các nhà thầu phải đối mặt như trượt giá, tổng mức đầu tư rất sát như hiện nay”.

Tiến Vinh (bài,ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu