08:39 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu trái thanh long Bình Thuận

Tuấn Minh (t/h) | 10:40 20/02/2023

(THPL) – Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một trong những định hướng quan trọng. Nắm bắt cơ hội này, doanh nghiệp Việt cần phát huy hiệu quả với trái thanh long tại thị trường Nhật Bản.

Trước đó, ngày 7/10/2022, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…).

Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, tỉnh Bình Thuận cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” để nâng cao uy tín, giá trị cho quả thanh long; tổ chức các hội thảo tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, doanh nghiệp thanh long về sản xuất, sơ chế, đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Đồng thời, liên kết, hợp tác với các cơ quan chuyên ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long, xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng VietGAP; tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất-tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ quả thanh long; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long...

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã bảo hộ 120 chỉ dẫn địa lý, bao gồm 108 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 12 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Trong đó, một số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở nước ngoài nổi bật như: Chỉ dẫn địa lý "Phú Quốc" cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ ở EU; chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận" cho sản phẩm quả thanh long được bảo hộ ở Nhật Bản; chỉ dẫn địa lý "Lục Ngạn" cho sản phẩm quả vải thiều được bảo hộ ở Nhật Bản...

Doanh nghiệp Việt cần phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý trái thanh long. Ảnh: Internet

Bình Thuận được biết đến là một trong những vùng trồng nhiều thanh long nhất cả nước, với diện tích gần 30.000ha. Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như: nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo… Tuy nhiên, do sản phẩm thanh long tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái cây tươi không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu.

Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2 - 3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu. Do đó việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long. 

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận Võ Huy Hoàng, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển thanh long, được xem là "chìa khóa" giúp loại trái cây này tiêu thụ vững chắc không chỉ ở thị trường trong nước mà còn là đòn bẩy để tiến mạnh vào các thị trường thế giới.

Còn theo ông Ngô Việt Thắng, Giám đốc Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trước hết cần có sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp, các ngành như: UBND các huyện, thành phố có sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; các ngành: Nông nghiệp, công thương, thuế, tài chính, kế hoạch-đầu tư, thông tin-truyền thông, các hội, hiệp hội... nhất là của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận - chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất cũng cần phải có trách nhiệm trong tuân thủ các quy định để sản phẩm khi lưu thông trên thị trường có chất lượng, uy tín với người tiêu dùng. Cần có các cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý về thuế, đầu tư tài chính, đầu tư về ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, nhằm bảo đảm chất lượng và nâng cao giá trị của sản phẩm.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu