11:08 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Bảo An (tổng hợp) | 13:47 08/10/2021

(THPL) - Ngày 7/10, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là nông sản thứ 2 của Việt Nam, sau vải thiều Lục Ngạn, được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…).

Báo Chính phủ đưa tin, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn so với các sản phẩm không được bảo hộ và được người dân nơi đây ưa chuộng vì “họ hiểu rằng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn.

Tuy nhiên, theo ông Phí, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản mới chỉ là bước đầu; cần rất nhiều nỗ lực từ các cấp, bộ, ngành để thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình. Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, ngành, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận.

"Giấy thông hành" vào thị trường Nhật bản của thanh long Bình Thuận. Ảnh: Internet

Trước mắt, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” để nâng cao uy tín, giá trị cho quả thanh long; tổ chức các hội thảo tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, doanh nghiệp thanh long về sản xuất, sơ chế, đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Đồng thời, liên kết, hợp tác với các cơ quan chuyên ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long, xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng VietGAP; tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất-tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ quả thanh long; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long...

Liên quan đến  hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, báo VOV đưa tin, ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN là đầu mối cung cấp các tài tiệu, số liệu, thông tin liên quan đến chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận cho Cục Sở hữu trí tuệ khi được yêu cầu. Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ Hiệp hội thanh long Bình tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung đã được phê duyệt trong Dự án để chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được cấp bằng trong thời gian sớm nhất.

Vốn là một thị trường “khó tính” hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về sửa đổi hồ sơ cho phù hợp với yêu cầu phía Nhật Bản như lược bỏ đặc tính không cần thiết của quả thanh long Bình Thuận (theo khuyến nghị của FIAB); bổ sung tài liệu chứng minh danh tiếng sản phẩm.

Ông Văn Công Thới khẳng định, nhờ có sự phối hợp của các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký đã được điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn thẩm định về: tập thể nhà sản xuất; tài liệu chứng minh danh tiếng sản phẩm đăng ký; và tài liệu chứng minh đặc tính và thực tế sản xuất sản phẩm 25 năm, tạo thuận lợi và thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xét duyệt hồ sơ đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vào Nhật Bản, đề nghị cung cấp thông tin về bảo hộ tự động GI (chỉ dẫn địa lý) giữa Việt nam và EU làm tài liệu bổ trợ cho “đánh giá xã hội”.

“Với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, tổ chức, cá nhân, những khó khăn này đã từng bước được giải quyết, giúp hoàn thiện các quy trình đăng ký cần thiết theo quy định của pháp luật Nhật Bản, để đến ngày hôm nay, thanh long Bình Thuận đã trở thành sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản”, ông Thới bày tỏ.

Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như: nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo… Tuy nhiên, do sản phẩm thanh long tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái cây tươi không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu.

Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2 - 3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu.

Hiện tại có năm đơn vị của Bình Thuận đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu và cũng là năm nơi dự kiến cung cấp thanh long sang Nhật Bản: huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu