04:36 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp ngành sữa chật vật trước cơn bão giá

19:49 26/07/2022

(THPL) - Báo cáo của Hiệp hội Sữa Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp sữa đã tăng thêm 5% giá bán ra trong nửa đầu năm, do nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao. Bước sang quý II, giá nguyên liệu sữa đã thiết lập đỉnh mới.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, giá nguyên liệu sữa ở châu Âu đã 2 lần lập đỉnh mới lên 5.100 euro một tấn và khu vực Nam Mỹ là 4.300 USD một tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Mỹ. New Zealand - nguồn nhập khẩu chính trước đây - giảm do sản lượng ít hơn vì ảnh hưởng của COVID-19 khiến nước này thiếu lao động. Điều này càng khiến giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong nước tăng cao.

Trước sức ép của giá nguyên liệu đầu vào, nhiều mặt hàng sữa trong nước đã thay đổi giá mới. Báo VnExpress cho hay, sữa chua, sữa nước, sữa bột nội địa và nhập khẩu đều tăng 5-10% trong 6 tháng đầu năm.

Doanh nghiệp ngành sữa chật vật trước cơn bão giá. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, đánh giá dù các doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ phương án như mua hàng tích trữ dài hạn hay chọn đối tác cung ứng giá tốt nhưng quý III, giá sữa tiếp tục dự báo leo thang sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Hiện, 60% nguyên liệu để sản xuất sữa bột là nhập khẩu nên giá nguyên liệu tác động lên nhóm này khá lớn. 6 tháng đầu năm sức tiêu thụ của nhiều nhóm sữa tăng trưởng chậm.

Chịu sức ép từ nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng theo ông Trung, trong khó khăn ngành sữa Việt Nam vẫn "ló" nhiều cơ hội. Giai đoạn này nếu các doanh nghiệp biết cân đối chi phí để có giá sản phẩm hợp lý, thị phần sữa của họ sẽ nhanh chóng tăng cao. Thống kê của thị trường Việt Nam cho thấy sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Đồng thời, nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 26-28 lít một người một năm, trong khi Thái Lan là 35 lít một người, các nước châu Âu từ 80-100 lít. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa bột, sản phẩm probiotic... dùng cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền, ung thư, tiểu đường... xu hướng tăng cao hơn.

Để không bị lung lay trước cơn bão giá về nguyên liệu xảy ra bất ngờ trên thế giới, ngành sữa Việt cần chuyển mình xây dựng các trang trại theo hướng hiện đại hóa, phát triển xanh, bền vững và đa dạng sản phẩm.

Theo báo Đầu tư, không chỉ doanh nghiệp ngành sữa, giá cả leo thang, nhưng thu nhập người dân không tăng, khiến ngay cả những chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm thiết yếu cũng phải vật lộn đối phó.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành chuỗi Co.opmart thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) chia sẻ, với xu hướng chỉ ưu tiên mua sắm hàng thiết yếu nên Co.opmart, Co.opXtra và các nhà cung cấp đang thống nhất phối hợp rà soát cắt giảm chi phí vận hành để tiết kiệm tối đa, không những giữ giá, mà còn thực hiện khuyến mãi kích cầu, duy trì sức mua.

“Chủ trương của Saigon Co.op là nói không với các đề nghị tăng giá bất hợp lý. Muốn tăng giá, đơn vị cung cấp phải chứng minh được chi phí đầu vào tăng một cách khách quan và ảnh hưởng trực tiếp lên chi phí sản xuất của lô sản phẩm đó. Ngoài ra, việc áp dụng tăng giá còn phải xem xét dựa trên sức mua chung và độ trễ đặc trưng của từng ngành hàng”, ông Thắng nói về giải pháp của Saigon Co.op.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành Hệ thống siêu thị WinMart cho biết, cả các mặt hàng trong hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cũng chịu ảnh hưởng do áp lực từ các nhà cung cấp. Tuy nhiên, WinCommerce vẫn đang chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm hàng nhu yếu phẩm…

Theo vị đại diện WinMart, bên cạnh việc duy trì đàm phán, phối hợp với các đối tác, nhà cung cấp để kìm giá, doanh nghiệp còn chủ động cam kết thu mua số lượng lớn để tạo đầu ra ổn định cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp, giúp giữ giá cả ổn định đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, WinMart cũng chủ động sản xuất những sản phẩm nhãn hàng riêng như WM Good, WM Home, WM Cook, WM Care, WinEco với quy trình khép kín, đảm bảo kiểm soát được chất lượng đầu ra và giá thành ổn định.

Còn với hệ thống siêu thị Aeon Mall, theo ông Bùi Trung Chính, Giám đốc Khối thu mua ngành hàng thực phẩm của AEON Việt Nam, vào một số giai đoạn cao điểm, nhà bán lẻ này chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành với khách hàng. Bên cạnh đó, AEON Việt Nam cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi và khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng như "Thứ 4 vui vẻ", "Ngày hội thành viên 5&20 hàng tháng", hay chương trình "Giá thấp mỗi ngày".

Giá thành sản phẩm tăng, hơn ai hết người kinh doanh dịch vụ mong ngóng giải pháp ở đầu nguồn sản xuất. Nhưng các nhà sản xuất cũng có nỗi khổ riêng bởi chung “dây chuyền” domino bão giá.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu