00:02 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xăng dầu treo cao khiến doanh nghiệp ngành kem chật vật trước cơn bão giá

Phương Linh (tổng hợp) | 19:00 05/07/2022

(THPL) - Giá xăng dầu treo cao và các chi phí khác đè nặng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Tăng giá thì dễ mất khách, nhưng không tăng lại thua lỗ. Điều này có nguy cơ cản đường phục hồi của doanh nghiệp khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng.

Giá xăng liên tục treo cao kéo theo giá của nhiều sản phẩm, dịch vụ cũng tăng. Điều này tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Đơn cử, Công ty Cổ phần Tràng Tiền Tràng Tiền 35 đang bối rối khi kinh phí để sản xuất một que kem đã tăng 15-25%.

Để tạo nên một que kem cần nhiều nguyên liệu như sữa tươi, sữa bột nguyên kem, các loại chất béo,… Nếu muốn sản xuất một que kem trái cây, kết hợp các loại hạt như đậu xanh, đậu đỏ, cốm, hay hoa quả thì chi phí sản xuất sẽ tăng lên 2-3 lần so với thời điểm trước đây.

Ngoài ra, khi sản xuất xong, một que kem sẽ tiêu tốn thêm các chi phí để phân phối ra thị trường. Mà ở đó, các phương tiện vận chuyển sẽ là “mạch máu” đưa sản phẩm đi khắp nơi và đến tay người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp ngành kem, sản phẩm cần được vận chuyển trên các xe đông lạnh để giữ hương vị, chất lượng. Do đó, xăng dầu tăng kéo theo sự biến động của chi phí vận chuyển, khiến các doanh nghiệp này đau đầu tìm lời giải.

Doanh nghiệp ngành kem cũng chật vật trước cơn bão giá. Ảnh minh họa

Theo Zing.vn đưa tin, đại diện thương hiệu Kem 35 chia sẻ: “Thời gian gần đây, giá xăng tăng khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và lưu thông sản phẩm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đang trên đà phục hồi lại phải đối mặt với giá xăng dầu tăng phi mã sẽ là gánh nặng. Vì giá mọi chi phí đều tính vào giá thành sản phẩm, việc này có thể làm chậm tốc độ phát triển và tăng trưởng”.

Doanh nghiệp cũng cho biết thêm, thời gian qua, các nguyên vật liệu sản xuất đến các loại bao bì, vỏ sản phẩm,… sử dụng cho Kem 35 đã đội giá, tăng trên 20-25%. Doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm, nhưng mức tăng chưa đến 10% nhằm giữ chân khách hàng, nhà phân phối.

Mặt khác, hiện tại Kem 35 có gần 20 gồm xe tải, xe con và xe máy, dùng để đưa sản phẩm đến nhà phân phối và người tiêu dùng. Xăng dầu tăng giá cao ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài chính.

Trong diễn biến liên quan, báo Kinh tế và Đô thị cho hay, tại các siêu thị, giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng ghi nhận ở mức tăng 5 - 10% trong vòng 2 tuần trở lại đây. Cụ thể, mỳ tôm Omachi tăng từ 190.000 đồng/thùng lên 205.000 đồng/thùng; dầu ăn Simply tăng từ 48.000 lên 52.000 đồng/lít; các loại nước giặt, nước rửa bát cũng tăng khoảng 10 - 15% so với đầu năm.

Xăng, dầu tăng giá đã tác động trực tiếp đến giá các loại nguyên vật liệu xây dựng khi các mặt hàng này đồng loạt điều chỉnh tăng giá. Kể từ ngày 10/5, một số DN đã chủ động điều chỉnh giá bán xi măng bao và xi măng rời lần thứ 2 trong năm 2022 (lần gần nhất vào ngày 20/3) với mức tăng dao động từ 50.000 - 95.000 đồng/tấn.

Tương tự, thị trường thép trong nước vẫn đang duy trì ở mức cao trong vòng hơn một tháng qua, với thép xây dựng CB240 tại các khu vực Bắc, Trung, Nam dao động ở mức 18.180 - 19.850 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá từ 18.280 - 19.630 đồng/kg.

Ở lĩnh vực vận tải, từ sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các hãng taxi, xe hợp đồng đều tăng cước thêm 10 - 15%, tương đương tăng 1.000 - 2.000 đồng/km và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các hãng xe công nghệ cũng ghi nhận tăng giá từ 20 - 30% tính từ thời điểm giá xăng tăng hồi giữa tháng 4/2022.

Nói về vấn đề trên, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nhận định, nếu giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng phi mã sẽ kéo theo hàng loạt các loại giá cả hàng hóa, dịch vụ khác tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người lao động và DN, tạo thêm khó khăn cho họ trong bối cảnh vốn dĩ đã phải chịu hệ quả nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu tiếp tục giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ kịp thời người dân và DN. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp cần thiết nhằm kìm chế lạm phát ở mức 4% như mục tiêu Chính phủ đã đề ra hồi đầu năm.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu