01:30 ngày 10/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá, hướng tới tăng trưởng kinh tế 8%

14:48 09/01/2025

(THPL) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm khẳng định, với các giải pháp cụ thể, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Thành công này sẽ tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định trên thế giới.

Chiều 8/1, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Huyền Trang

Tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết: Năm 2025 sẽ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược. Theo đó, Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để thực sự là "đột phá của đột phá" với "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Ông Trần Văn Sơn cho biết, phấn đấu hết năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài; Khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thiện các dự án khả thi đường sắt Bắc - Nam, Nhà máy hạt nhân Ninh Thuận; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng...

Năm 2025 sẽ tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó triển khai hiệu quả Đề án đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư bán dẫn.

Theo Người phát ngôn của Chính phủ, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài, đặc biệt các dự án bất động sản, đất đai, tài sản công, năng lượng tái tạo…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: Huyền Trang

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội và được thông qua Nghị quyết số 158/2024/QH15 về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025, với mức mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 140/CĐ-TTg vào cuối tháng 12/2024, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương xây dựng các kịch bản tăng trưởng để đạt mục tiêu tối thiểu 8%, đồng thời hướng tới khả năng tăng trưởng hai con số trong điều kiện thuận lợi.

Các địa phương có vai trò “đầu tàu” như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh khác được kỳ vọng phải đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2024 để tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế. Đây là một thách thức lớn, song hoàn toàn khả thi, khi Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP 7,09% trong năm 2024, vượt mục tiêu ban đầu là 6,5%, dù chịu ảnh hưởng từ thiên tai làm giảm tăng trưởng 0,8%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định hoàn thiện thể chế là động lực cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đổi mới và cải cách thể chế sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát tiếp tục được coi là ưu tiên hàng đầu. Dù đặt mục tiêu tăng trưởng cao, các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đảm bảo. Năm 2024, lạm phát cơ bản bình quân chỉ tăng 2,71%, thấp hơn CPI bình quân, phản ánh nỗ lực kiểm soát giá cả và ổn định thị trường trong bối cảnh tăng lương và điều chỉnh giá dịch vụ công.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài chính và tiền tệ chủ động, linh hoạt. Năm 2024, Chính phủ đã triển khai các biện pháp miễn, giảm, giãn, hoãn thuế với tổng giá trị khoảng 197 nghìn tỷ đồng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Tổng thu ngân sách đạt 337 nghìn tỷ đồng, chứng minh rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ tạo động lực phục hồi mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Các chính sách này sẽ được tiếp tục triển khai đến tháng 6/2025, giúp doanh nghiệp và người dân tăng cường tiêu dùng, kích cầu trong nước.

Đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân khoảng 295.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, cộng với hơn 300.000 tỷ đồng vốn chuyển tiếp từ năm 2024. Việc giải ngân hiệu quả số vốn này sẽ thu hút thêm các nguồn lực từ khu vực tư nhân, tạo "vốn mồi" thúc đẩy tăng trưởng.

Song song đó, kích cầu tiêu dùng trong nước được xác định là nhiệm vụ chiến lược. Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa và 20 triệu lượt khách quốc tế, góp phần tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Năm 2025, Việt Nam tiếp tục tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt chú trọng thị trường Halal - một lĩnh vực tiềm năng lớn. Xuất khẩu và nhập khẩu sẽ tiếp tục là điểm sáng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước những thông tin trên, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm khẳng định, với các giải pháp cụ thể, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Thành công này sẽ tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định trên thế giới.

Tú Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu